Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) 2024 sửa đổi, có hiệu lực từ 1.7.2025 sẽ mang đến những thay đổi bước ngoặt, mở rộng đáng kể quyền lợi cho người tham gia.
Luật BHYT 2024 sửa đổi, bổ sung người bệnh mắc một số bệnh ung thư có thể điều trị thẳng tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Ảnh: NGUYỄN LY

Một trong những điểm sáng lớn nhất của luật sửa đổi là việc mở rộng quyền lợi khám chữa bệnh ban đầu. Ông Tiền Kiến Lượng, Phó Trưởng Phòng Giám định BHYT 2, BHXH khu vực XXVII, nhấn mạnh về sự thay đổi đột phá này: "Khi luật mới có hiệu lực, người có thẻ BHYT đi khám ở các cấp ban đầu như trạm y tế, trung tâm y tế, phòng khám đa khoa sẽ không còn phân biệt địa giới hành chính. Thẻ BHYT đăng ký ở bất kỳ đâu khi đến khám tại các cấp cơ bản trên toàn quốc đều sẽ được hưởng 100% chi phí theo mức hưởng”.

Tức là khi có thẻ BHYT thì có thể đến khám ở bất kỳ bệnh viện tuyến huyện nào trên cả nước và vẫn được hưởng đúng tuyến (chỉ áp dụng cho điều trị nội trú, còn ngoại trú thì phải đúng tỉnh mới được hưởng). Quy định mới từ 01.07.2025 là một bước tiến vượt bậc, mở rộng quyền lợi này ra cả cấp cơ sở (trạm y tế, phòng khám) cho cả điều trị ngoại trú.

Đây là một tin vui lớn cho hàng triệu người dân, đặc biệt là người lao động xa quê, sinh viên, giúp họ tiếp cận dịch vụ y tế ban đầu một cách thuận lợi và kịp thời nhất. Bên cạnh đó, luật mới cũng mở rộng phạm vi chi trả cho việc điều trị cận thị và tật khúc xạ cho trẻ em dưới 18 tuổi, thay vì chỉ giới hạn ở trẻ dưới 6 tuổi như trước đây.

Thủ tục khám chữa bệnh cũng được đơn giản hóa, người bệnh chỉ cần cung cấp thông tin thẻ BHYT qua thẻ giấy, ứng dụng VssID hoặc Căn cước công dân gắn chip mà không cần nhiều giấy tờ phức tạp.

Đối với những bệnh nhân không may mắc bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là ung thư, Luật BHYT sửa đổi mở ra một cánh cửa hy vọng lớn. Tiến sĩ, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, cho biết luật mới cho phép người bệnh thuộc 62 nhóm bệnh hiếm, trong đó có 9 loại ung thư, được đến khám và điều trị trực tiếp tại các bệnh viện cấp chuyên sâu mà không cần giấy chuyển tuyến.

"Trước đây, một bệnh nhân chẳng may phát hiện ung thư gan tại bệnh viện chúng tôi mà không có giấy chuyển tuyến thì phải quay về nơi đăng ký ban đầu để xin giấy. Bây giờ, họ có thể nhập viện điều trị thẳng tại Bệnh viện Ung Bướu và vẫn được hưởng BHYT", Tiến sĩ, bác sĩ Tuấn chia sẻ. Đây là một cải cách nhân văn, giúp người bệnh tiết kiệm thời gian, chi phí và quan trọng nhất là không bỏ lỡ "thời gian vàng" trong điều trị.

Để đáp ứng thay đổi này, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM đã khẩn trương cập nhật hệ thống công nghệ thông tin, thay đổi quy trình tiếp nhận, tập huấn cho nhân viên và đẩy mạnh truyền thông để người dân nắm rõ quyền lợi. Tuy nhiên, Tiến sĩ, bác sĩ Tuấn cũng dự báo áp lực rất lớn khi lượng bệnh nhân đổ về các bệnh viện tuyến cuối sẽ tăng mạnh, đòi hỏi bệnh viện phải liên tục nâng cao năng lực và tăng cường hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới.

Trước viễn cảnh quá tải ở tuyến trên, vai trò của các bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện như Bệnh viện Lê Văn Thịnh trở nên cực kỳ quan trọng. Dù là bệnh viện tuyến huyện, nhưng Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã được xếp hạng một về chuyên môn, tương đương cấp tỉnh. BS.CKII Trần Văn Khanh, Giám đốc bệnh viện Lê Văn Thịnh, nhận định: "Chính sách mới hướng tới người dân, lấy người bệnh làm trung tâm. Để đáp ứng, chúng tôi phải đồng bộ nâng cao năng lực về mọi mặt, giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối”.

Theo laodong