Sở Y tế TP HCM xây dựng kịch bản ứng phó tình huống xuất hiện 500 ca Covid-19 nặng cần được hồi sức chuyên sâu, tại 10 bệnh viện.

Sở Y tế TP HCM ngày 6/7 yêu cầu các bệnh viện được phân công tiếp nhận điều trị Covid-19 rà soát các nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư tiêu hao... sẵn sàng tăng số giường hồi sức cấp cứu.

Nhóm bệnh viện điều trị Covid-19 nặng, chuẩn bị 440 giường hồi sức, gồm Chợ Rẫy (100 giường), Bệnh Nhiệt đới (100 giường), Điều trị Covid-19 Phạm Ngọc Thạch (75 giường), Điều trị Covid-19 Trưng Vương (75 giường), Điều trị Covid-19 Thủ Đức (50 giường), Nhi đồng 2 (20 giường), Nhi đồng Thành phố (20 giường).

Nhóm bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng, chuẩn bị 60 giường hồi sức, gồm Điều trị Covid-19 Cần Giờ (20 giường), Điều trị Covid-19 Củ Chi (20 giường), Điều trị Covid-19 Bình Chánh (10 giường), Dã chiến Củ Chi (10 giường).

Trong đó, Bệnh viện Điều trị Covid-19 Thủ Đức vừa được bổ sung vào nhóm các bệnh viện hồi sức chuyên sâu Covid-19 nặng và nguy kịch, căn cứ vào năng lực triển khai các kỹ thuật chuyên sâu. Trước đây, bệnh viện thuộc nhóm điều trị Covid-19 có triệu chứng.

Kế hoạch này nhằm tăng hiệu quả điều trị, đáp ứng tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, số ca dương tính ngày càng tăng, tương ứng số trường hợp nặng cần hồi sức tích cực cũng tăng, theo Sở Y tế TP HCM.

TP HCM đang phân tuyến theo mô hình điều trị "tháp ba tầng" từng được Bộ Y tế triển khai tại tỉnh Bắc Giang, gồm cấp không triệu chứng (bệnh viện dã chiến), cấp có triệu chứng nhẹ, trung bình (bệnh viện điều trị Covid-19 ở bốn cửa ngõ thành phố) và cấp điều trị bệnh nhân nặng (bệnh viện tuyến trung tâm thành phố).

Hai bệnh viện dã chiến từ hai ký túc xá thuộc Đại học Quốc gia TP HCM, vẫn chịu trách nhiệm tiếp nhận điều trị các ca không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, gồm "Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 1", quy mô 1.000 giường và"Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 2", quy mô 4.000 giường.

Sở Y tế TP HCM yêu cầu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới phối hợp Hội Hồi sức Cấp cứu TP HCM đào tạo liên tục về hồi sức cấp cứu người bệnh mắc Covid-19 nặng. Giám đốc các bệnh viện tổ chức đào tạo lại kiến thức về phòng và kiểm soát lây nhiễm, các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19, hồi sức tích cực... cho nhân viên y tế tùy theo vị trí công tác. Tuân thủ phác đồ chẩn đoán và điều trị Covid-19 nhằm nâng cao chất lượng điều trị.

Thành phố cũng lập kế hoạch luân phiên bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa hồi sức tích cực tại các bệnh viện thành phố đến công tác tại các bệnh viện chuyển đổi công năng chuyên tiếp nhận điều trị Covid-19, sẵn sàng nguồn nhân lực trong mọi tình huống.

Sở Y tế TP HCM sẽ bổ sung các trang thiết bị hồi sức tích cực thiết yếu, ưu tiên máy thở, X-quang tại giường, hệ thống cung cấp oxy... cho các bệnh viện điều trị Covid-19 theo số giường hồi sức tích cực, hướng dẫn các đơn vị mua sắm trang thiết bị cấp cứu hồi sức.

Như vậy, hiện công suất điều trị Covid-19 tại các bệnh viện TP HCM là 10.000 giường. Thành phố đang xây dựng kế hoạch tăng số giường điều trị theo kịch bản 15.000 ca mắc.

Tính đến ngày 5/7, TP HCM điều trị gần 6.000 bệnh nhân Covid-19. Trao đổi VnExpress ngày 9/6, phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng cho biết từ khi Covid-19 bùng phát đến nay, các thống kê ghi nhận tỷ lệ bệnh nhân chuyển biến nặng khoảng 3,5%, tức 100 người bệnh thì khoảng 3-4 người nặng.

Số liệu thống kê của Sở Y tế TP HCM cuối tháng 6 ghi nhận khoảng 80% bệnh nhân Covid-19 trong đợt dịch này không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ.

TP HCM đang trong đợt bùng phát Covid-19 lớn nhất, với 6.905 ca từ 27/4 đến sáng 6/7, nhiều nhất cả nước.

Bệnh viện Dã chiến Củ Chi. Ảnh: Quỳnh Trần.

Nguồn: Vnexpress.net