Cơ hội và tiềm năng phát triển du lịch y tế

Cơ hội bước vào thị trường du lịch y tế
Theo số liệu từ Cục Du lịch Quốc gia, lượng khách quốc tế đến Việt Nam với mục tiêu chăm sóc sức khỏe tăng trung bình 12% mỗi năm trong giai đoạn 2017-2024, du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng trung bình 12-15% mỗi năm. Đây là cơ hội cho phát triển du lịch y tế.
Tại Đà Nẵng, theo phân tích của Sở Du lịch, các cơ sở y tế đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ và cơ sở hạ tầng để phục vụ du khách quốc tế với các bệnh viện chính được khách du lịch khám, chữa bệnh như: Bệnh viện Đa khoa, Bệnh viện 199, Bệnh viện Hoàn Mỹ, Bệnh viện Vinmec... Từ năm 2017, Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng đã thành lập đơn vị “Du lịch chữa bệnh” nhằm khám, chữa bệnh và phục hồi sức khỏe cho khách du lịch và người nước ngoài.
Trưởng phòng Quản lý lữ hành, Sở Du lịch Nguyễn Thị Hồng Thắm chia sẻ, thành phố đang có những thuận lợi để phát triển du lịch y tế như: xu hướng du lịch y tế đang ngày càng phát triển; chính sách dành cho hoạt động du lịch y tế đang ngày càng được quan tâm, mới nhất là kế hoạch phát triển du lịch y tế giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do UBND thành phố ban hành; kế hoạch phát triển các loại hình dịch vụ sản phẩm về y học cổ truyển phục vụ khách du lịch đến năm 2030… Thành phố còn có cơ sở hạ tầng y tế đang ngày càng phát triển, hệ thống sân bay, cảng biển và hơn 1.200 cơ sở lưu trú…
Tuy nhiên, du lịch y tế cần đạt mục tiêu đề ra còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức bởi lĩnh vực này còn khá mới mẻ đối với thành phố. Do đó sự cạnh tranh khá lớn với các nước có y tế phát triển như: Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, Singapore và Hàn Quốc; thị trường trong nước thì có Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Đà Nẵng chưa có sản phẩm chuyên biệt, hạ tầng chưa bảo đảm để phát triển; chưa có chính sách visa y tế; chưa hình thành và tổ chức các chương trình du lịch y tế kết hợp giữa tham quan và chăm sóc sức khỏe. Khách du lịch tới Đà Nẵng chủ yếu khi có các tình trạng bị đau, ốm sẽ đến khám, chữa bệnh, khách chưa có thói quen và xu hướng đến thành phố để điều trị, khám, chữa các bệnh hoặc làm thẩm mỹ, chăm sóc sức khỏe hoặc có với số lượng còn manh mún rất thấp.
Bệnh viện 199 đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ và cơ sở hạ tầng để phục vụ du khách quốc tế. Ảnh: NGỌC HÀ
Cần tạo nên sản phẩm, chính sách đặc thù
Theo ông Nguyễn Đức Quỳnh, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng, thực tế du lịch chăm sóc sức khỏe xuất hiện từ lâu nhưng chưa có chương trình cụ thể hay mô hình phát triển chuyên sâu. Nếu được khai thác đúng hướng, đây sẽ là sản phẩm đặc thù, bổ sung cho các thế mạnh hiện có như du lịch biển, ẩm thực và nghỉ dưỡng. Loại hình du lịch này không chỉ thúc đẩy ngành du lịch mà còn lan tỏa lợi ích sang các ngành kinh tế khác.
Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch - sự kiện - vận chuyển VITRACO cho rằng, để phát triển du lịch y tế, Đà Nẵng tiên phong đi đầu làm chính sách visa y tế dài hạn; ban hành chính sách ưu đãi thu hút nhà đầu tư lớn ở một số thị trường nước ngoài có khách du lịch y tế… Đồng thời, cần có kế hoạch khai thác nguồn khách tiềm năng như khách Nhật Bản bởi nhu cầu dưỡng lão, điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe rất cao; khách Hàn Quốc khá quan tâm phẫu thuật thẩm mỹ, nha khoa, kiểm tra sức khỏe tổng quát; khách Việt kiều từ châu Âu-Mỹ...
Rào cản hiện nay đối với du lịch y tế là lĩnh vực này còn manh nha, thiếu liên kết hiệu quả. Vì thế, TS.BS. Quách Hữu Trung, Giám đốc Bệnh viện 199 (Bộ Công an) đề xuất mô hình phát triển du lịch y tế thời gian tới cần có chiến lược rõ ràng, hình thành hệ thống liên kết giữa các bên gồm chính quyền, bệnh viện, công ty du lịch, cơ sở sản xuất, người dân... để tạo sức mạnh tổng hợp. Cùng với đó, cần ứng dụng công nghệ số vào hoạt động tư vấn, điều phối, đặt lịch và hỗ trợ từ xa, vận hành hiệu quả như một ngành công nghiệp thực thụ.
Bà Bùi Ngọc Như Nguyệt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng nhấn mạnh về nguồn nhân lực cho lĩnh vực du lịch y tế. “Việc học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác cho thấy cần thành lập một cơ quan chuyên trách về du lịch y tế, có chức năng tư vấn, truyền thông và quảng bá lĩnh vực này. Cần xác định rõ thị trường mục tiêu, xây dựng sự khác biệt dựa trên lợi thế cạnh tranh, đồng thời định vị ngành du lịch y tế của thành phố phù hợp với nhóm khách hàng đã lựa chọn. Sự phát triển của du lịch y tế cần được xây dựng trên nền tảng vững chắc của ngành y tế nên cần chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế thông qua việc khai thác thế mạnh của y học cổ truyền, y học bổ sung và y học thay thế. Đồng thời, đào tạo đội ngũ chuyên gia y tế có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm và thành thạo ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu của du khách quốc tế”, bà Nguyệt nói.
Theo baodanang.vn