TPHCM: Thành phố có số ca mắc sởi giảm và được công bố hết dịch sởi ở 22 phường, xã nhưng không được chủ quan.
Trẻ được cách ly điều trị sởi. Ảnh: Thanh Chân

Kiến nghị tăng năng lực tuyến trước, hạn chế chuyển tuyến

Sáng 28.3, đoàn công tác Bộ Y tế do GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế dẫn đầu kiểm tra công tác thu dung điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM).

Bác sĩ Cao Văn Hiệp - Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 1 cho hay, sởi gia tăng từ tháng 6.2024, đỉnh là tuần 50 của năm 2024. Hiện nay, số ca mắc sởi có xu hướng giảm.

3 tháng đầu năm 2025, bệnh viện có 1.250 ca mắc sởi điều trị nội trú, trong đó, có 473 trường hợp ở TPHCM và 1.047 ca ở tỉnh, thành lân cận TPHCM. Đáng lưu ý, bệnh viện ghi nhận 99 trẻ mắc sởi nặng, điều trị tại Khoa Hồi sức Nhiễm. Trong đó, số trẻ ở tỉnh chiếm 79.8%, số trẻ chưa được tiêm vaccine sởi chiếm 83.8%.

Đoàn công tác Bộ Y tế kiểm tra công tác thu dung điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1.Ảnh: Thanh Chân

Bệnh viện Nhi đồng 1 kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục tăng cường năng lực tuyến trước, hạn chế chuyển tuyến. Đồng thời, tăng cường công tác tiêm chủng ngừa bệnh sởi tại các tỉnh.

Theo bà Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM đề xuất Bộ Y tế nâng cấp, phát triển hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia. Việc thực hiện cập nhật, rà soát quản lí đối tượng tiêm chủng phải được thực hiện thường xuyên và đảm bảo chất lượng tại các tỉnh thành trên toàn quốc.

Đoàn kiểm tra nghe báo cáo về công tác điều trị bệnh sởi. Ảnh: Thanh Chân

Tiếp tục rà soát đối tượng tiêm chủng

Ông Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục Quản lí Khám chữa bệnh Bộ Y tế đánh giá cao công tác thu dung, phân luồng và điều trị của Bệnh viện Nhi đồng 1. Tuy nhiên, con số nhập viện tại đây vẫn cao, cho thấy nguy cơ vẫn còn.

Công tác phân tuyến chưa tốt, ca bệnh ở các tỉnh đổ về TPHCM còn đông. Bệnh viện Nhi đồng 1 là cơ sở điều trị chuyên sâu, nhiều chuyên gia đầu ngành, cần điều trị bệnh nặng.

Bệnh nhân nhẹ cũng đổ về đây, làm tăng mật độ virus, dễ xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo và không giải quyết được vấn đề. Các bệnh viện tuyến tỉnh hoàn toàn có thể điều trị được bệnh sởi.

Ông Đức đề nghị ngành y tế TPHCM tiếp tục kiểm soát lây nhiễm chéo trong bệnh viện, tham gia tập huấn phác đồ điều trị sởi mới cho các tỉnh lân cận, đặc biệt là vùng Tây Nguyên. Thời gian tới, ngành y tế và giáo dục phối hợp, đưa ra quy định trẻ muốn đến trường cần có hồ sơ tiêm chủng.

GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu chỉ đạo tại buổi kiểm tra. Ảnh: Thanh Chân

GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá TPHCM có số ca sởi giảm, công bố hết dịch ở 22 phường, xã là tín hiệu vui. Tuy nhiên, sởi có xu hướng gia tăng ở một số tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ.

Tổng số ca sởi trên 52.000 trường hợp, sởi mắc ở mọi lứa tuổi. Điều này cho thấy rõ có khoảng trống trong việc bao phủ vaccine sởi.

Nhờ chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Bộ Y tế, thời gian tới, dịch bệnh sởi và dịch bệnh khác sẽ được kiểm soát. Tuy nhiên, không được lơ là, chủ quan.

TPHCM là đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực y tế, nhi khoa. Vì vậy, cần có trách nhiệm thêm với các tỉnh thành phía Nam.

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị ngành y tế bám sát và tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế. Đề nghị bệnh viện xây dựng kế hoạch trong mọi tình huống. Xây dựng quy trình ứng phó khi có ca nhiễm, nghi nhiễm, phân luồng, cách ly điều trị, tuân thủ biện pháp hạn chế lây nhiễm, đặc biệt, hạn chế tối đa lây nhiễm chéo.

Đồng thời, đề nghị Sở Y tế TPHCM chỉ đạo bệnh viện trên địa bàn trang bị đầy đủ thuốc, thiết bị y tế.

Đề nghị bệnh viện, Sở Y tế các tỉnh thành tăng cường công tác truyền thông, khuyến cáo về các dịch bệnh và sởi; tăng cường tập huấn, đào tạo cho tuyến dưới, đặc biệt là tỉnh thành phía Nam trong công tác khám chữa bệnh.

Trong hôm nay, đề nghị Cục Quản lí khám chữa bệnh có văn bản chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh thành về thu dung, điều trị sởi và bệnh truyền nhiễm. Tuần tới, tổ chức tập huấn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, đề nghị Cục Phòng bệnh Bộ Y tế cùng đơn vị liên quan hoàn thiện hệ thống thống kê, báo cáo để có số liệu chuẩn, tương đối xác thực tế. Từ đó, hoạch định chính sách xác thực tế.

"TPHCM không được chủ quan, tiếp tục rà soát, không bỏ sót đối tượng tiêm chủng phòng ngừa bệnh sởi" - GS.TS Trần Văn Thuấn đề nghị.

Theo laodong.vn