Hotline 1900986868

Tin tức

Tin tức Bệnh viện 199

chuyên gia

Dịch vụ nổi bật

Hướng đến ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Y đức hàng đầu - Nhiệm màu cuộc sống!

Thứ Ba, 6:30, 27/02/2024 

Lần đầu đến Bệnh viện 199 (Bộ Công an) tại Đà Nẵng, dưới logo cơ quan, châm ngôn “Y đức hàng đầu - Nhiệm màu cuộc sống” gây một ấn tượng mạnh trong tôi.

TS.BS Trần Bá Thoại, Cố vấn chuyên môn Bệnh viện 199, Ủy viên BCH Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam

Là người trong ngành y tế, tôi nhận thức rất rõ vai trò sức khỏe trong cuộc sống: Có sức khỏe là có tất cả; Người lành mong đủ thứ, người bệnh chỉ mong sức khỏe; Tinh thần minh mẫn trong thân thể tráng kiện…

Ngay sau khi thành lập, năm 1948, Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa sức khỏe rộng và đầy đủ: “Sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tâm lý và xã hội, chứ không chỉ là không bị mắc bệnh hay tật”. Do đó, ở mọi nơi trên trái đất này, ngành y là ngành cao quý và nhân viên y tế, những người chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, đều được mến thương, yêu quý, và kính trọng.

Vì bệnh nhân là những người không thoải mái, bất thường, hay lộn xộn, nên họ có thể khen chê nhiều lúc không chuẩn: Hướng dẫn kỹ càng họ bảo “biết rồi - khổ quá - nói mãi”; Khám kỹ lưỡng chê “rùa bò”; Khám nhanh chê “qua loa, chuột chạy”; Tai biến xảy ra thì bảo “đâu biết đàng”.. Nhưng khi ra viện, trở lại bình thường, có sức khỏe, chẳng ai quên lời tri ân cả!

Bài liên quan
- Y đức - dưới góc nhìn của TS.BS Trần Bá Thoại
- Hướng đến ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Nghề Y - Phải biết hy sinh quyền lợi cá nhân hơn là việc hưởng thụ
- Hướng đến ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Nữ "Bác sĩ Hoàng Sa" tận tâm cùng sứ mệnh ngành y

Trong khi các y bác sĩ là người trực tiếp “giải quyết” với người bệnh và thân nhân họ, nên những chính sách bất cập, Bệnh viện quá tải, thiếu phương tiện, thuốc men, tài chánh….cũng bị người dân “đổ lên đầu”.

Bản thân bác sĩ cũng là con người, con và người, nên cũng đầy đủ ”hỷ, nộ, ái, ố”. Nhưng nghề là nghiệp, đã chọn ngành y thí phải chấp nhận theo nghề với những đòi hỏi đặc thù nghề nghiệp. Chỉ mong sao cộng đồng xã hội có cái nhìn công bằng hợp lý với nghề “nhạy cảm” của chúng tôi.

Theo quan điểm cá nhân, y đức không chỉ là thương yêu bệnh nhân chung chung, “đầu môi chót lưỡi”, mà cần có chỉ tiêu cụ thể:

Đối với sinh viên, học viên y khoa

Phải chăm chỉ, nghiêm túc, lý thuyết, thực hành. Bởi vì, Hiện nay, nhiều học sinh giỏi đăng ký thi vào các trường đại học, học viện y khoa. Điểm chuẩn của một số trường Y ở mức cao kỷ lục. Đó là tín hiệu đáng mừng. Nhưng không biết những học sinh thi vào nghề y đó có bao nhiêu em vì lý tưởng chữa bệnh cứu người cao đẹp, bao nhiêu em chọn nghề này vì mong muốn có thu nhập cao? Nếu không có động cơ đúng đắn ngay từ khi chọn thi vào ngành y, thì điều đó tất yếu dẫn đến sự suy thóai về y đức khi hành nghề.

Đối với người hành nghề y

Phải chấp hành luật pháp nhà nước, quy chế nghề nghiệp, nội quy cơ quan, bệnh viện chủ quản…và phải học tập liên tục CME.

Trong bộ sách đồ sộ “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” gồm 66 quyển, Lê Hữu Trác dành hẳn một chương (phần “Y huấn cách ngôn”) để nói về đạo đức của người thầy thuốc. Bậc đại danh y đã vạch trần, cảnh báo, phê phán một cách nghiêm khắc những biểu hiện thiếu y đức của Thầy thuốc. Phải chăng ở thời ông, y đức cũng có những biểu hiện suy đồi? Ông đã nêu ra 8 tội người thầy thuốc cần tránh.

Những lời di huấn của bậc đại danh y đến nay vẫn nóng hổi tính thời sự, nhiều Thầy thuốc đã học tập và làm theo những lời di huấn quý báu đó. Nhưng cũng còn không ít Thầy thuốc chưa thông cảm với nỗi đau của người bệnh, chưa coi “trị bệnh cứu người” là mục tiêu theo đuổi trong suốt cuộc đời người Thầy thuốc.

Nói cách khác, trong nghề y, công việc chữa bệnh cứu người càng đòi hỏi phẩm chất đạo đức nghề nghiệp phải được coi trọng. Phẩm chất đạo đức của người hành nghề y thể hiện rõ ở thái độ phục vụ, chăm sóc sức khỏe người bệnh. Đáng buồn là hiện nay, bên cạnh số đông người hành nghề y tận tâm với nghề, luôn nỗ lực thực hiện đầy đủ y đức của người Thầy thuốc, vẫn còn đó những “con sâu làm rầu nồi canh”.

Tình trạng bác sĩ, nhân viên y tế nhận “phong bì” của bệnh nhân, từ đó đã nảy sinh sự đối xử thiếu công tâm của người Thầy thuốc. Công luận đã lên tiếng về tình trạng này, nhưng hiện tượng suy thóai đạo đức đó chưa được đẩy lùi triệt để trong ngành y.

Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhắc lại tấm gương y đức của bậc đại danh y, hy vọng y đức nước nhà sẽ được vun đắp tốt đẹp hơn. Cầu chúc toàn thể cán bộ, nhân viên Bệnh viện 199 chúng ta “Thân an, Tâm lạc”, cùng nhau đồng thuận thực hiện châm ngôn “Y đức hàng đầu - Nhiệm màu cuộc sống”, để Bệnh viện trở thành cơ sở y tế, địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy cho ngành nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung.

TS.BS Trần Bá Thoại
Cố vấn chuyên môn Bệnh viện 199 

TagsBệnh viện 199Ngày Thầy thuốc Việt NamY đức hàng đầuTS.BS Trần Bá Thoại

Các tin tức khác

THÔNG TIN BỆNH VIỆN

  • icon_footer1216 Nguyễn Công Trứ, Quận Sơn Trà, Đà Nẵng
  • icon_footer2cskh@benhvien199.vn
  • icon_footer3benhvien199.vn
  • icon_footer41900986868

FANPAGE

Copyright © 2020 Bệnh Viện 199 - Bộ Công An