Hotline 1900986868

Tin tức

Tin tức Bệnh viện 199

chuyên gia

Dịch vụ nổi bật

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước trong thực hiện chuyển đổi số ở Bệnh viện 199 hiện nay

 Tập thể cán bộ chiến sĩ Bệnh viện 199, đội ngũ Ban Giám đốc luôn nhận thức sâu sắc Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người xây dựng, đặt nền móng, đã nâng quan điểm về thi đua lên một tầm tư tưởng, coi thi đua là một phẩm chất đạo đức, thể hiện lòng yêu nước của người Việt Nam. 

1. 75 năm - “Lời kêu gọi thi đua yêu nước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cách đây 75 năm, ngày 1/5/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua yêu nước”: “Cùng toàn thể đồng bào yêu quý, Nước ta kinh tế lạc hậu, nhưng lòng yêu nước và chí quật cường chẳng kém ai. Nay muốn tự cấp, tự túc, đi kịp người ta, thì chúng ta phải đi mau. Vì vậy, sĩ, nông, công, thương, binh, gái trai già trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc Thi đua yêu nước, tức là tăng gia sản xuất. Như thế thì: Kháng chiến nhất định thắng lợi, Kiến quốc nhất định thành công”[1].

Cách đây 75 năm, ngày 1/5/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua yêu nước” và đó là cơ sở để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc 

Trong đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, Người đặc biệt quan tâm tới việc giáo dục thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu trong công tác xây dựng Đảng và bộ máy chính quyền từ Trung ương tới địa phương. Nhiệm kỳ Đại hội II của Đảng Lao động Việt Nam, Người viết nhiều bài về nội dung này: Cần tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh (2/9/1951); Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu (tháng 3/1952); Chống quan liêu, tham ô, lãng phí (31/7/1952);.. Người có khoảng 1300 lần nhắc đến “thi đua” và khoảng 100 lần bàn về “thi đua yêu nước” trong các tác phẩm của mình.

 Theo Người, thực hiện phong trào thi đua yêu nước có nhiều nội dung: thi đua giết giặc lập công, thi đua tăng gia sản xuất và thi đua tiết kiệm, chống nạn tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu. Với Người, quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác; là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội, của Chính phủ. Trên cơ sở chỉ ra tham ô, lãng phí, quan liêu là gì, Người kết luận: “Vì những người và những cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí. Thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí. Vì vậy, muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí, thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu”[2].  

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ cải tạo kinh tế ở miền Bắc, theo Người: “Nhân dân ta, đặc biệt là công nhân và nông dân ta, phải hăng hái thi đua yêu nước, thực hiện khẩu hiệu: làm nhiều, nhanh, tốt, rẻ”[3]. Những tác phẩm viết về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn phản ánh những tư tưởng của Người về xây dựng giai cấp công nhân lãnh đạo; giáo dục ý thức làm chủ, giáo dục tư tưởng xã hội chủ nghĩa cho trí thức, nông dân, phụ nữ, thanh thiếu niên, học sinh; củng cố và mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương thực hiện "Phong trào thi đua yêu nước" nhằm tạo ra những lực lượng đầu tàu cực kỳ hùng mạnh để xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển nông nghiệp, công nghiệp. Người khẳng định: "Với sự lãnh đạo của Đảng, kết hợp phong trào thi đua yêu nước với công cuộc vận động chống tham ô, lãng phí, quan liêu, làm cho mọi người thấm nhuần ý thức làm chủ nước nhà và tinh thần cần kiệm xây dụng Tổ quốc, thì chúng ta nhất định thắng lợi trong công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, làm cơ sở vững mạnh cho sự nghiệp đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà",[4].

Tất nhiên, ở đó, Quảng Bình cùng với miền Nam luôn đau đáu trong trái tim Người. Người đặc biệt quan tâm đến các thăng trầm của Quảng Bình và xem Quảng Bình như là tấm gương thi đua của cả nước. Trong chiến tranh ném bom hủy diệt miền Bắc của đế quốc Mỹ, Quảng Bình và Vĩnh Linh là đất lửa, tuyến đầu của miền Bắc, hậu phương lớn trực tiếp của miền Nam. Chính vì vậy, Bác càng thường xuyên quan tâm nhiều hơn, theo dõi, động viên, khích lệ, khen ngợi cán bộ, chiến sĩ, đồng bào Quảng Bình sản xuất và chiến đấu giỏi.

Năm 1965, trong “Thư khen”, Bác viết: “Cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Quảng Bình, Vĩnh Linh, Nghệ An, đã chiến đấu dũng cảm liên tục chống những hành động xâm lược của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc nước ta... Một lần nữa chúng ta đã tỏ rõ cho đế quốc Mỹ biết rằng nếu chúng cứ liều lĩnh tiếp tục khiêu khích miền Bắc, chúng sẽ bị thất bại nhục nhã. Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi các đơn vị và các cá nhân đã lập được chiến công”[5]. Trên báo Nhân dân, số 4124, ngày 19/7/1965, Bác viết: “Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi đồng bào, bộ đội và cán bộ Quảng Bình đã bắn rơi 100 máy bay Mỹ, vừa qua lại thu hoạch vụ chiêm rất tốt. Như vậy là tỉnh nhà chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi. Các tỉnh khác hãy ra sức thi đua với Quảng Bình”[6]. Tại Đại hội thi đua của các lực lượng vũ trang nhân dân, năm 1965, Bác tuyên dương: “Quân và dân tỉnh Quảng Bình vừa chiến đấu giỏi, đã bắn rơi 112 máy bay Mỹ, vừa sản xuất giỏi, đã thu được vụ chiêm rất tốt. Thế là ăn no, đánh thắng”[7]. 

Thư khen và sự tuyên dương này của Bác là nguồn động viên to lớn, tiếp thêm sức mạnh cho quân và dân Quảng Bình vượt qua mọi khó khăn, gian khổ hy sinh tiến lên lập nhiều chiến công to lớn hơn. 

Đáng chú ý, câu nói: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, Khó trăm lần dân liệu cũng xong” được Bác nhắc lại rất nhiều lần mỗi khi nói chuyện với cán bộ từ Địa phương đến Trung ương, với tư cách là động lực đại đoàn kết dân tộc quyết định mọi thắng lợi của Việt Nam. Làm tốt, được Đảng và Chính phủ khen, được các địa phương khác học tập kinh nghiệm thì lại càng phải cố gắng nhiều hơn, nếu tự mãn với những thành tích đạt được là đã bắt đầu xuống dốc, cho nên cần phải khắc phục tư tưởng tự mãn, chủ quan”[8].

Tức là, “phải dựa vào quần chúng mà phát động mọi phong trào sản xuất, chiến đấu. Phải làm cho quần chúng luôn luôn phấn khởi, tin tưởng. Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được. Phải dựa vào quần chúng mà phát động mọi phong trào sản xuất, chiến đấu. Phải làm cho quần chúng luôn luôn phấn khởi, tin tưởng. Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được… Vì trong cán bộ, có những đồng chí tốt, miệng nói tay làm, nhưng cũng có một số đồng chí “chỉ tay năm ngón”, không chịu làm”[9].

Sau 75 năm thực hiện “Lời kêu gọi thi đua yêu nước” của Bác, thấm nhuần lợi dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”[10]. Tập thể cán bộ chiến sĩ Bệnh viện 199, đội ngũ Ban Giám đốc luôn nhận thức sâu sắc Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người xây dựng, đặt nền móng, đã nâng quan điểm về thi đua lên một tầm tư tưởng, coi thi đua là một phẩm chất đạo đức, thể hiện lòng yêu nước của người Việt Nam. Từ đó nêu cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm, chấp nhận hy sinh, gian khổ, vượt qua khó khăn, thử thách, ra sức thi đua, lập nhiều thành tích, chiến công, xây dựng đắp nên truyền thống CAND Việt Nam anh hùng, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Ðảng và dân tộc. 

2. Vận dụng tư tưởng thi đua yêu nước của người vào thực tiễn chuyển đổi số ở Bệnh viện 199 hiện nay. 

Trong suốt chặng đường 23 năm hình thành và phát triển, toàn thể cán bộ chiến sĩ và nhân viên Bệnh viện 199 đã nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó và đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Cùng với tốc độ phát triển của xã hội hiện nay thì Bệnh viện cũng đứng trước nhiều khó khăn thách thức để khẳng định vị trí, hoàn thành sứ mệnh của mình. Làm thế nào để xây dựng Bệnh viện ngày càng phát triển đáp ứng được niềm tin của cán bộ chiến sĩ và nhân dân luôn là mối trăn trở của tập thể lãnh đạo và nhân viên trong toàn Bệnh viện. 

2.1. Chiến lược chuyển đổi số thành công 

Những năm qua, Bệnh viện 199 ngày càng nhận được sự tin tưởng của khách hàng, bệnh nhân. Là địa chỉ tin cậy cho cộng đồng, người dân tại địa phương cũng như các tỉnh lân cận khi có nhu cầu thăm khám, điều trị, tư vấn các vấn đề về sức khỏe.

Chiến lược chuyển đổi số đã được mạnh dạn, tiên phong thực hiện thành công ở Bệnh viện 199. 

Để khẳng định được thương hiệu của mình, Bệnh viện 199 có những điều tuyệt vời, rất riêng làm nên sự khác biệt của mình. Một trong những “cái riêng” góp phần tạo dựng thương hiệu của Bệnh viện 199 đó là tư duy mở của Ban Giám đốc, mà người lái “con tàu đổi mới” đó là Giám đốc Quách Hữu Trung, trong đó có chiến lược chuyển đổi số đã được mạnh dạn, tiên phong thực hiện.

Thực tế, hiện nay Bệnh viện 199 đã và đang ứng dụng 21 phần mềm trên máy tính, trong đó Phần mềm quản lý tài liệu Edoc199, đến nay đã có 20 đơn vị đăng ký và chuyển giao. Tòa nhà 11 tầng trang bị hệ thống IBS (InBuilding System) tăng cường sóng di động đến mọi điểm. Hệ thống loa nội bộ và màn hình bao phủ toàn Bệnh viện. 

Triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động khám - chữa bệnh như hệ thống PACS, AI DrAi
Vinbain trên xe X-quang di động, AI hỗ trợ chẩn đoán bệnh Tan máu bẩm sinh (Thalassemia), AI tích hợp hệ thống camera, hồ sơ sức khỏe BV199 trên điện thoại thông minh, hệ thống thực tế ảo VR360, Hệ thống Vbee với Call/chatbot trả lời tự động tích hợp với phần mềm chăm sóc khách hàng (CRM) với tổng đài 1900986868 và nền tảng truyền thông nội bộ GAPOWORK, triển khai chương trình khám chữa bệnh bằng thẻ thông minh Onelink… 

Các ứng dụng trên nền tảng số cũng được chú trọng phát triển nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân như: Hội chẩn từ xa (Teleheath), ứng dụng Facare, ứng dụng AI trong việc đọc, tập hợp và phân tích dữ liệu đưa ra những đề xuất chẩn đoán và chỉ định, giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán điều trị. 

“Telehealth là một ứng dụng mới nên thời gian đầu triển khai, nhiều bệnh nhân còn lo lắng. Nhưng đến nay, Bệnh viện 199 tiếp nhận thêm nhiều trường hợp đến khám, cũng như điều trị bằng phương pháp này khi bệnh nhân biết có cơ hội được các chuyên gia y học trên toàn quốc hỗ trợ điều trị”, Đại tá Quách Hữu Trung - Giám đốc Bệnh viện 199 nói. 

Không chỉ vậy, với những thành công trong chuyển đổi số, Bệnh viện 199 được Bộ Công an định hướng để triển khai đồng bộ nhằm kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu cho y tế cơ sở trong CAND.Trong phạm vi chỉ đạo tuyến y tế cơ sở (14 cơ sở y tế), Bệnh viện 199 đã chọn thí điểm triển khai mô hình chuyển đổi số y tế cơ sở tại Bệnh xá Công an tỉnh Quảng Nam, sắp tới sẽ triển khai ở Bệnh xá Công an tỉnh Quảng Trị và một số Bệnh xá khác. 

Thực tế trên cho thấy, mô hình Bệnh viện 199 hướng đến là trở thành một nền tảng, đa phương thức, đa hệ thống, đa dữ liệu, được vận hành trên nền tảng tư duy số và ra quyết định dựa trên dữ liệu số. Chuẩn bị theo cơ chế nền tảng - lấy con người làm trung tâm, từ đó tạo đột phá năng suất làm việc từ việc kiến tạo các giá trị mới và khai thác hiệu quả dữ liệu; kiến tạo mạng lưới dữ liệu theo định hướng chiến lược hạng mục hình thành lợi thế cạnh tranh động. Tất cả phục vụ cho sự phát triển dựa trên nền tảng hệ sinh thái xã hội lấy tương tác làm trung tâm. 

Quan trọng hơn, chuyển đổi số ở Bệnh viện 199 không chỉ là câu chuyện về ứng dụng công nghệ thông tin trong Bệnh viện, đó còn là sự thay đổi tư duy công việc, thay đổi cách thức làm việc, con người làm trung tâm là điều kiện tiên quyết giải quyết mọi vấn đề. 

Như lời của Đại tá, TS.BS Quách Hữu Trung – Giám đốc Bệnh viện 199: “Khi nói đến chuyển đổi số - Bệnh viện thông minh, nhiều người thường nghĩ đến các thành tựu về máy móc, phương tiện hiện đại tương thích với cái mà ta hay gọi là 4.0. Nhưng tất cả mọi thứ muốn vận hành tốt phụ thuộc vào tư duy và hành động của con người. Máy móc có hiện đại bao nhiêu mà nhân lực không đủ khả năng đáp ứng, không thích ứng để vận hành thì càng thêm lãng phí. Chúng tôi xác định mình sinh sau đẻ muộn thì không đi song song, không chạy theo mà phải vượt lên trước”.

 Đại tá, TS.BS Quách Hữu Trung – Giám đốc Bệnh viện 199 trong một buổi thị sát thực tế công tác khám chữa bệnh 

Không những vậy, Bệnh viện 199 đang phát triển theo mô hình Platform, cho phép xây dựng một “hệ sinh thái” công nghệ bằng cách kết nối nền tảng hiện có với các công cụ, nhóm, dữ liệu và quy trình bên ngoài.  

Và một điểm nhấn không thể không nói trong tư duy chuyển đổi số ở Bệnh viện 199 đó là Phát triển Tổ hợp Đổi mới sáng tạo 199 Vietnam Medical Innovation Hub tại Bệnh viện 199 (199VIH). 

Nói thêm về 199VIH, không gian sáng tạo khởi nghiệp trong Bệnh viện là một nơi được thiết kế để khuyến khích và hỗ trợ các nhà sáng lập trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Thông qua việc cung cấp không gian, tài nguyên và mạng lưới kết nối, không gian sáng tạo này cung cấp cho các nhà sáng lập một môi trường để phát triển và triển khai các ý tưởng mới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Các không gian sáng tạo khởi nghiệp trong Bệnh viện có thể bao gồm các phòng làm việc chung, phòng họp, phòng thí nghiệm, phòng học và các khu vực để triển khai các sản phẩm và dịch vụ mới. Bên cạnh đó, không gian này cũng cung cấp các tài nguyên hỗ trợ như tư vấn kinh doanh, tài chính và pháp lý, cũng như hỗ trợ về kỹ thuật và thiết kế.  

Mục đích của không gian sáng tạo khởi nghiệp trong Bệnh viện là giúp các nhà sáng lập trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tiếp cận các tài nguyên và chuyên gia cần thiết để tăng cường khả năng phát triển và triển khai ý tưởng. Điều này không chỉ giúp tăng cường sự sáng tạo và đổi mới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe mà còn giúp cải thiện chất lượng dịch vụ và chăm sóc bệnh nhân. 

2.2 Một số giải pháp để phát huy hơn nữa thành công của chiến lược chuyển đổi số ở Bệnh viện 199 

Chuyển đổi số y tế là hành trình đầy thử thách, cần có sự đầu tư lớn về cả vật chất lẫn tinh thần. Để thành công chinh phục được hành trình này, Bệnh viện 199 phải tìm hiểu kỹ lưỡng để đưa ra những đánh giá tổng quan chính xác và đưa ra các quyết định, hành động hợp lý, tương ứng với ngân sách và nguồn nhân lực của đơn vị mình. 

 Và để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. Chúng tôi đề xuất một số giải pháp như sau: 

Thứ nhất: Thay đổi nhận thức của người dùng. 

Người dùng ở đây là nhân viên y tế, bệnh nhân và khách hàng. Điều quan trọng nhất là thay đổi tư duy người dùng, thay đổi được nhận thức thì tư duy chuyển đổi số mới thành công. Bởi vì, tất cả mọi thứ muốn vận hành tốt phải phụ thuộc vào tư duy và hành động của con người. Máy móc có hiện đại bao nhiêu mà nhân lực không đủ khả năng đáp ứng, không thích ứng để vận hành thì càng thêm lãng phí. 

Thứ hai: Tăng cường kết nối, hợp tác với các đơn vị cá nhân thực hiện chuyển đổi số. 

Không phải ngẫu nhiên Bệnh viện 199 ký kết hợp tác với Innovation Hub để triển khai Tổ hợp đổi mới sáng tạo trong ngành y tế. Mà đó là cả một chiến lược dài hơi phát triển Bệnh viện thông minh trong tiến trình phát triển của Bệnh viện, hướng Bệnh viện 199 trở thành trung tâm của khu vực Miền Trung – Tây Nguyên. 

Trước đó, để hỗ trợ cho công tác chuyển đổi số, Bệnh viện 199 cũng đã hợp tác với nhiều đơn vị ngoài ngành để, hợp tác, hỗ trợ nhau vì trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. 

Thứ ba: Tiếp tục đồng nhất hóa hệ thống thông tin và số hóa dữ liệu. 

Hệ thống phần mềm bảo đảm khả năng kết nối liên thông, chia sẻ, tích hợp dữ liệu, đồng thời bảo đảm khả năng kết nối liên thông với tất cả các trang thiết bị hiện có trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (máy xét nghiệm, máy chẩn đoán hình ảnh, các màn hình tương tác, các thiết bị cầm tay cá nhân,...) trên mạng nhằm nâng cao khả năng tự động hóa. 

Thứ tư: Đẩy mạnh phát triển nhân lực chuyên trách công nghệ thông tin. 

Tiếp tục nâng cao, đào tạo nguồn nhân lực chuyên trách theo chiều sâu vì mục đích xây dựng “Bệnh viện thông minh”. Trong đó, hỗ trợ tốt cho việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt. 

Những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện chuyển đổi số của Bệnh viện 199 là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, cùng với sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ Ban Giám đốc, tập thể, cá nhân trong Bệnh viện. 

Với mục tiêu xây dựng Bệnh viện 199 trở thành Bệnh viện thông minh, Bệnh viện đã từng bước đổi mới trong cải cách hành chính, cách thức hoạt động, đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực chuyển đổi số kết hợp chủ trương “Cải tiến – Kế nối – Đồng hành” nên đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cũng như mang lại sự hài lòng cho khách hàng.

Có thể nói, thành công trong chuyển đổi số của Bệnh viện 199 có thể chưa phải tiên phong trong hệ thống y tế nước nhà nói chung, nhưng những gì mà Bệnh viện 199 đã làm được ít nhiều cũng mang lại niềm tự hào cho Bệnh viện nói riêng, trong toàn hệ thống y tế CAND nói chung.  

 TÀI LIỆU THAM KHẢO 

1. Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản CTQG, Hà Nội, 2011, tập 5, trang 513. 

2. Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản CTQG, Hà Nội, 2011, tập 7, trang 357. 

3. Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản CTQG, Hà Nội, 2011, tập 11, trang 391. 

4. Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản CTQG, Hà Nội, 2011, tập 13, trang 377. 

5. Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản CTQG, Hà Nội, 2011, tập 14, trang 487. 

6. Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản CTQG, Hà Nội, 2011, tập 14, trang 571. 

7. Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản CTQG, Hà Nội, 2011, tập 14, trang 594. 

8. Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản CTQG, Hà Nội, 2011, tập 14, trang 697. 

9. Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản CTQG, Hà Nội, 2011, tập 15, trang 279-280. 

10. Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản CTQG, Hà Nội, 2011, tập 7, trang 407. 


========

BỆNH VIỆN 199
Địa chỉ: 216 Nguyễn Công Trứ - Sơn Trà - Đà Nẵng
1900 98 68 68 (CSKH)
Cấp cứu: 0236 3986881
Email: benhvien199.bca@gmail.com
Website: https://benhvien199.vn
https://vr360.benhvien199.vn  

TagsBệnh viện 199Hồ Chí MinhChuyển đổi số

Các tin tức khác

THÔNG TIN BỆNH VIỆN

  • icon_footer1216 Nguyễn Công Trứ, Quận Sơn Trà, Đà Nẵng
  • icon_footer2cskh@benhvien199.vn
  • icon_footer3benhvien199.vn
  • icon_footer41900986868

FANPAGE

Copyright © 2020 Bệnh Viện 199 - Bộ Công An