Hotline 1900986868

Tin tức

Tin tức Bệnh viện 199

chuyên gia

Dịch vụ nổi bật

Sự cần thiết của tinh gọn trong bệnh viện – Phần IV

Những vấn đề trong chăm sóc sức khỏe

Trước khi đi sâu tìm hiểu cách tiếp cận này, chúng ta hãy bắt đầu bằng cách luyện tập một thói quen tốt của Tinh gọn – xác nhận vấn đề mà bệnh viện và hệ thống y tế đang cố gắng giải quyết. Có rất nhiều vấn đề cố hữu mà bệnh viện phải đối mặt, quá nhiều để có thể liệt kê ra ở đây. Tinh gọn không đề cập tới việc sửa chữa bất kỳ vấn đề trọng đại nào trong chăm sóc sức khỏe, mà là một số vấn đề chiến lược cốt yếu, cùng với hàng trăm, hàng nghìn vấn đề nho nhỏ đang làm tắc nghẽn bệnh viện hàng ngày. Một số lỗi hệ thống trong chăm sóc y tế khá quan trọng nhưng có thể nằm ngoài phạm trù của Tinh gọn, như là sự kém hiệu quả của bảo hiểm y tế và phương thức chi trả. Thay vì tranh cãi về những giải pháp chính trị, chúng ta có thể hành động và cải thiện ngay lúc này, bất kể hệ thống chi trả của quốc gia như thế nào. Chúng ta có thể cải thiện được dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nếu ngay bây giờ chúng ta bắt đầu học hỏi và hành động.

Bạn có gặp những vấn đề này tại bệnh viện của mình không?

+ Phải chờ hàng hóa vật tư do đặt hàng không phù hợp + Nhầm lẫn khi lấy vật tư
+ Vật tư bị khoa khác trả về vì không đúng loại
+ Nhân viên gặp khó khăn khi sử dụng thiết bị mới
+ Không gian kho chứa giới hạn (đồ vải và vật tư) và không được sử dụng hợp lý
+ Những thiết bị bảo hộ an toàn không được dùng tới
+ Chấn thương hay đau ốm nhẹ không được báo cáo
+ Không tuân thủ đúng quy trình + Nhân viên bỏ sang bệnh viện khác
+ Nhân viên đùn đẩy việc cho người khác

Đây có phải là những vấn đề của bệnh viện ngày nay không? Đúng vậy, nhưng chúng cũng đã xuất hiện từ năm 1944, được ghi lại trong tài liệu đào tạo của bệnh viện bởi chương trình Training Within Industry (TWI) của Mỹ. Chương trình này dừng lại sau khi Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc, bởi vậy phương pháp này đã biến mất khỏi các bệnh viện cũng như nhà máy, nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn tới Toyota và sự hình thành của lý thuyết Tinh gọn.

Bệnh viện dù ở bất cứ nơi đâu, ngay cả tại các quốc gia khác nhau, có xu hướng có những vấn đề giống nhau, vì đều được thiết kế theo mô hình giống nhau cùng với cách quản lý giống nhau. Cách sắp xếp thiết kế cũng có các đặc điểm giống nhau, hẳn được vẽ ra bởi những kiến trúc sư có lẽ cũng không hiểu rõ chi tiết cách bệnh viện vận hành. Các quy trình cũng thường được xây dựng theo kiểu tương tự, hoặc bị mặc kệ biến đổi không theo cấu trúc nào. Việc sao chép từ bệnh viện khác và những “thực hành tốt nhất” của họ có thể mang tới sự cải thiện tạm thời, nhưng với Tinh gọn, chúng ta có thể thúc đẩy sự cải thiện đáng kể (và bền vững) hơn, bằng cách xem xét chính các quy trình của mình cũng như cách thức quản lý qua một góc nhìn mới hơn, lôi kéo sự tham gia của chính các nhân viên để nhận diện những lãng phí và xây dựng giải pháp của chính họ. Với tư duy Tinh gọn, bước đầu tiên để cải thiện là cởi mở trong việc nhận diện các vấn đề.

Khi  hỏi điều gì cần làm để cải thiện, các nhân viên và nhà quản lý trong bệnh viện thường trả lời: “Chúng tôi cần thêm tiền, thêm không gian, và cần thêm người!”, những điều mà ngân quỹ thường không cho phép. Ngay cả khi chắc chắn việc có thêm nhân lực sẽ mang lại lợi ích, chúng ta đang sống trong một thế giới nơi các nguồn lực có hạn, bao gồm cả việc thiếu điều dưỡng, kỹ thuật viên y học cũng như các chức nghiệp lâm sàng chủ chốt khác, tại một số nơi. Nếu không thể tăng thêm nguồn lực, làm việc chăm chỉ hơn thường không phải là giải pháp. Những người có tư duy Tinh gọn không lấy lý do làm việc thiếu chăm chỉ để đổ lỗi cho các vấn đề trong bệnh viện của họ. Chúng ta cần cải thiện hệ thống, và đôi khi điều đó có nghĩa là giảm bớt nỗ lực của mọi người, bởi công việc của họ trở nên dễ dàng hơn, và điều này mang lại sự cải thiện tổng thể.

Cố bác sĩ Michel Tétrault, CEO của Bệnh viện Đa khoa Boniface (Winnipeg, Manitoba) và là một nhà lãnh đạo Tinh gọn vĩ đại. Năm 2010, ông nói về ba điều khiến ông trăn trở hàng đêm. Đó là: 1/ “Tìm đủ nhân lực, có được những người chúng tôi cần để phục vụ tất cả những người bệnh đến với chúng tôi” vì tình trạng già hóa dân số và lượng người nghỉ hưu. 2/ “Khoảng trống dai dẳng trong chi phí y tế, và đó cũng là một hiện tượng toàn cầu. Đây không phải vấn đề của riêng nước Mỹ hay Canada. Chúng ta phải đối phó ra sao với vấn đề này?” 3/ Những người bệnh của chúng ta, cộng đồng của chúng ta, những người gây quỹ, bất kể là công hay tư, đang [ngày càng] nghi ngại về tính an toàn và độ tin cậy của hệ thống chăm sóc y tế, cũng như chất lượng đầu ra mà nó mang lại”. Tinh gọn giúp xử lý tất cả các lo ngại ấy. Như lời Tétrault nói: “Bằng cách này hay cách khác, chúng ta phải tìm ra một hướng đi để chứng tỏ rằng ta đang cung cấp những giá trị tốt hơn, chăm sóc y tế an toàn hơn, tin cậy hơn, với hiệu quả đầu ra tốt hơn với giá thành hợp lý”.

Áp lực giá và thách thức về chi phí

Chi phí chăm sóc y tế đang ngày càng tăng nhanh, chi phí bảo hiểm y tế của Mỹ đang gia tăng với tốc độ nhanh hơn cả lạm phát. Năm 2012, chi trả cho chăm sóc sức khỏe chiếm tới 17,9% GDP của Mỹ, đạt tới ngưỡng trên 2,8 nghìn tỷ USD mỗi năm. Chỉ số tiêu dùng trên đầu người tại Mỹ cao nhất thế giới và so với các nước công nghiệp tương đương cũng ở mức rất cao. Ngay cả khi chi tiêu nhiều, vẫn có quá nhiều người bệnh bị tổn hại bởi những sai sót y khoa có thể phòng tránh được, và nước Mỹ lại thụt lùi trong nhiều chỉ số đo lường chất lượng chủ yếu. Việc chi nhiều thực tế cũng mang lại nhiều cải tiến và công nghệ, có thể giúp ích cho chăm sóc và bảo vệ sinh mạng, nhưng việc tiếp tục gia tăng chi phí không phải là một việc mang tính bền vững.

Trong nỗ lực làm chậm đà chi tiêu, chính phủ và các cơ quan chi trả tư nhân thường đề xuất cắt giảm tỷ lệ đền bù. Bằng cách đó, họ có thể thay đổi số tiền phải trả, nhưng không làm thay đổi chi phí của hệ thống. Việc cắt giảm số tiền từ phái người chi trả, thật không may, có thể dẫn đến kiểu cắt giảm truyền thống có hại từ phía các tổ chức y tế, như sa thải hoặc đóng cửa các đơn vị và bỏ bớt dịch vụ làm ảnh hưởng tới chất lượng hoặc giảm bớt mức độ chăm sóc dành cho cộng đồng. Giảm giá mà không đi kèm với giảm chi phí tương ứng sẽ làm ảnh hưởng tới nguồn thu của bệnh viện, khiến cho các khoản đầu tư trong tương lai chậm lại, hoặc thậm chí hủy hoại tương lai tài chính của bệnh viện, trừ phi một hệ thống y tế có thể giảm chi phí nhờ áp dụng Tinh gọn.

Tại một số nước, cắt giảm ngân sách từ chính phủ đồng nghĩa với việc giảm bớt dịch vụ chăm sóc cũng như ít người bệnh được phục vụ hơn, trừ phi hiệu quả thực sự của việc chăm sóc được cải thiện. Thay vì giảm chi phí bằng cách cắt bớt số tiền chi trả hay hạn chế dịch vụ chăm sóc, các phương pháp Tinh gọn cho phép chúng ta giảm chi phí thực sự của việc hcăm sóc, tạo điều kiện để ta cung cấp thêm dịch vụ và chăm sóc cho cộng đồng. Một bệnh viện tiết kiệm được hàng chục triệu USD nhờ áp dụng Tinh gọn để tránh những dự án mở rộng đắt đỏ là một bệnh viện ít gây tổn thất cho xã hội hơn, mà vẫn cung cấp mức độ chăm sóc tương đương, thậm chí là tốt hơn, cho nhiều người hơn, với chất lượng tốt hơn.

Việc cắt giảm chi phí cũng có nguy cơ đẩy các bác sĩ ra khỏi vùng tiếp cận của một số nhóm người bệnh nhất định, với bằng chứng là số lượng hiện vẫn còn nhỏ, song đang tăng dần, những bác sĩ Mỹ muốn rời khỏi hệ thống Medicare và Medicaid hoặc không nhận thêm người bệnh mới thuộc chương trình đó. Việc cắt giảm chi phí một phía từ bệnh viện hay nhà cung cấp  nhắc chúng ta về bài học kinh nghiệm quản lý nguồn cung của ba ông lớn trong ngành sản xuất ô tô, họ đã có truyền thống hằng năm yêu cầu nhà cung cấp phải giảm giá, đẩy nhiều nhà cung cấp tới mức phá sản hoặc buộc phải giảm chất lượng.

Trong khi đó, cách tiếp cận Tinh gọn, như mô tả của Toyota, là sự hợp tác giữa khách hàng và nhà cung cấp để cùng nhau tìm ra biện pháp tiết kiệm chi phí thực sự, thường là thông qua cải tiến chất lượng. Những biện pháp tiết kiệm chi phí này được chia sẻ và mang tới lợi ích cho cả hai bên, khi Toyota và những nhà cung cấp của họ xây dựng được mối quan hệ tin tưởng và bền vững. Trong chăm sóc sức khỏe, người tiêu dùng và nhà cung cấp nên cố gắng để có được mối quan hệ giống như Toyota với nhà cung cấp của họ, hơn là việc bóp nghẹt nhà cung cấp – trong trường hợp này là bệnh viện, các phòng khám hay bác sĩ. Tại một số bang ở Mỹ và Peurto Rico, các công ty bảo hiểm y tế hoặc người sử dụng lao động làm việc trực tiếp với các bệnh viện để thực hiện các nỗ lực cải thiện Tinh gọn, chia sẻ lợi ích.

Nguồn tham khảo: Mark Graban – Bệnh viện tinh gọn – NXB DT 2023

Theo caphesach.wordpress.com/

Các tin tức khác

THÔNG TIN BỆNH VIỆN

  • icon_footer1216 Nguyễn Công Trứ, Quận Sơn Trà, Đà Nẵng
  • icon_footer2cskh@benhvien199.vn
  • icon_footer3benhvien199.vn
  • icon_footer41900986868

FANPAGE

Copyright © 2020 Bệnh Viện 199 - Bộ Công An