Hotline 1900986868

Tin tức

Tin tức Bệnh viện 199

chuyên gia

Dịch vụ nổi bật

Sốt xuất huyết gia tăng ở Huế, bác sĩ khuyến cáo quan trọng

Nửa đầu tháng 11/2022, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ghi nhận 162 ca mắc sốt xuất huyết. Trước tình trạng gia tăng nhanh ca mắc, các bác sĩ đã đưa ra một số khuyến cáo để giúp người dân phòng, chống.

Số ca mắc tăng 9 lần so với cùng kỳ

Theo Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, trong 17 ngày đầu tháng 11/2022, toàn tỉnh ghi nhận 162 ca mắc sốt xuất huyết trung bình ghi nhận 9-10 ca /ngày. Như vậy, tính đến hết ngày 17/11, tỉnh ghi nhận 1.270 ca sốt xuất huyết. Ca bệnh tập trung chủ yếu tại TP Huế, huyện Phú Lộc và huyện Phong Điền. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc tăng 9 lần.

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh đang gia tăng mạnh do vào các tháng cao điểm của dịch bệnh. 

Nguyên nhân do điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nắng xen kẽ tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi và phát triển.

Thừa Thiên Huế: Ca mắc sốt xuất huyết gia tăng, bác sĩ khuyến cáo gì? - Ảnh 1.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Tại Bệnh viện Trung ương Huế,  trong thời gian gần đây, số ca nhập viện không ngừng gia tăng, thống kê tính đến thời điểm hiện tại đã có gần 2.000 ca trong đó hơn 500 ca là trẻ em. Ngoài ra, đã có 3 trường hợp trẻ em tử vong bao gồm 1 trường hợp tại Thừa Thiên Huế và 2 trường hợp ngoại tỉnh.

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, ThS.BSCKII Hoàng Thị Lan Hương - Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, hiện có khoảng 3-4% số ca nhập viện do sốt xuất huyết tại đơn vị có diễn biến nặng, cần phải bù dịch cao phân tử, truyền hồng cầu, tiểu cầu để điều trị. Bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ dịch cao phân tử, các chế phẩm máu và trang thiết bị y tế để cấp cứu và điều trị cho các bệnh nhân nặng.

"Mới đây, Khoa Bệnh nhiệt đới của bệnh viện đã điều trị thành công cho một trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng, phức tạp do bệnh nhân có bệnh nền hội chứng thận hư, giảm albumin máu trầm trọng", ThS.BSCKII Hoàng Thị Lan Hương nói.

Làm gì để phòng, chống sốt xuất huyết?

PGS.TS Trần Kiêm Hảo - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, cao điểm dịch sốt xuất huyết trên địa bàn năm nay bắt đầu từ tháng 6 và cao nhất vào tháng 7, sớm hơn so với các năm trước. Hiện nay, số ca mắc có xu hướng gia tăng trở lại vào tháng 11 và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng vào tháng 12.

"Ngành y tế đang tích cực xử lý triệt để các ổ dịch trong vòng 48 giờ kể từ khi được xác định. Tiến hành đánh giá chỉ số côn trùng, chỉ số muỗi trước, sau phun hóa chất diệt muỗi. Cùng với đó, tiến hành lồng ghép hoạt động vệ sinh, diệt bọ gậy vào phong trào Ngày Chủ nhật xanh tại các địa phương. Đồng thời, đảm bảo đầy đủ, sẵn sàng thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn", PGS.TS Trần Kiêm hảo cho hay.Trong khi đó, ThS.BS Phạm Hữu Trí - Phó Giám đốc Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, đối với bệnh nhân sốt xuất huyết trong 3-4 ngày đầu, nếu có chỉ định theo dõi tại nhà, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ những lời khuyên như: Nằm nghỉ ngơi; ăn thức ăn dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa; uống nhiều nước, có thể cho bệnh nhân uống dung dịch Oresol, nước trái cây càng tốt.

Uống thuốc hạ sốt, lưu ý chỉ được hạ sốt bằng paracetamol chứ không được dùng Ibuprofen hoặc Aspirin vì có nguy cơ gây chảy máu, đồng thời chườm mát cho người bệnh. Theo dõi liên tục, nếu thấy bệnh nhân có diễn biến nghiêm trọng hơn như li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều thì cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế.

ThS.BS Phạm Hữu Trí cũng lưu ý một số điểm trong điều trị sốt xuất huyết. 

Thứ nhất, tuyệt đối không được chủ quan. Cụ thể, sốt xuất huyết được chia thành 3 mức độ: Nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo và nặng. Mặc dù mức độ nhẹ có thể được chỉ định theo dõi tại nhà nhưng người bệnh vẫn cần đi khám để được chẩn đoán và theo dõi bởi bệnh có thể tiến triển từ mức độ nhẹ sang nặng.

Thứ hai, hết sốt không phải là khỏi bệnh. Cụ thể, sau giai đoạn sốt cao chính là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh. Sau 2-7 ngày, phần lớn người bệnh đã hết sốt và cảm thấy đỡ khó chịu trong người nhưng đây lại là thời điểm quyết định cần kiểm soát bệnh chặt chẽ.

Ở thời kỳ này, triệu chứng mới bắt đầu nhận rõ như: xuất huyết dưới da, chảy máu lợi, chân răng, chảy máu cam. Tùy vào mức độ cũng như biến chứng của bệnh có thể dẫn đến chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa, suy đa phủ tạng, thậm chí tử vong. Vì vậy, đây là giai đoạn cần được bác sĩ theo dõi sát sao.

Thứ ba, sốt xuất huyết có thế mắc lại nhiều lần. Cụ thể, bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra do 4 type (D1, D2, D3, D4). Cả 4 type virus này đều đang lưu hành và gây ra dịch bệnh tại Việt Nam. Miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ đặc hiệu đối với từng type riêng lẻ, vì vậy bệnh nhân có thể mắc lại nếu nhiễm các type khác.

Theo SKĐS

 

 

Các tin tức khác

THÔNG TIN BỆNH VIỆN

  • icon_footer1216 Nguyễn Công Trứ, Quận Sơn Trà, Đà Nẵng
  • icon_footer2cskh@benhvien199.vn
  • icon_footer3benhvien199.vn
  • icon_footer41900986868

FANPAGE

Copyright © 2020 Bệnh Viện 199 - Bộ Công An