Hotline 1900986868

Tin tức

Tin tức Bệnh viện 199

chuyên gia

Dịch vụ nổi bật

Những điều cần biết về Phẫu thuật Kéo dài chân

Phẫu thuật kéo dài chân không phải là một kỹ thuật khó, với sự hình thành và phát triển qua hàng trăm năm đã được cải tiến, hoàn thiện và đều được thực hiện một cách an toàn, đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, bất kỳ một phẫu thuật nào cũng đều có những rủi ro, biến chứng nhất định. Việc của bạn là tìm hiểu thật kỹ trước khi quyết định kéo dài chân.

I. Phẫu thuật kéo dài chân là gì ?

1. Phẫu thuật kéo dài chân là kỹ thuật được thực hiện nhằm mục đích tăng chiều dài chân dựa vào khả năng của cơ thể trong việc tái tạo xương mới, dây chằng, các mô mềm, mạch máu và các dây thần kinh bao quanh.

2. Trước kia kỹ thuật này thường được thực hiện ở những người bệnh có các dị tật như chân cao chân thấp, viêm xương khớp, chấn thương sau tai nạn... Tuy nhiên với sự phát triển của y học hiện nay, ngày càng có nhiều người lựa chọn phẫu thuật kéo dài chân vì mục đích thẩm mỹ, tăng chiều cao cơ thể.

A close-up of a person's legs

Description automatically generated with low confidence

II. Những ai có thể kéo dài chân ?

A picture containing floor, indoor

Description automatically generated

1. Các trường hợp bệnh lý:

- Người bệnh có dị tật bẩm sinh chân cao chân thấp với độ dài chênh lệch >3cm

- Các bệnh lý gây thiếu hụt xương: Viêm xương, hoại tử xương, người bệnh sau cắt u xương hoặc di chứng sau tai nạn, di chứng bệnh bại liệt v.v.

2. Thiếu hụt về thể chất:

- Người có chiều cao hạn chế (Nam<160cm; Nữ<150cm), muốn thực hiện kỹ thuật để có chiều cao lý tưởng hơn, tự tin hơn trong cuộc sống. Trong thời gian gần đây nhu cầu kéo dài chân thẩm mỹ đã tăng lên rất nhiều, đang trở thành xu thế.

3. Độ tuổi:

- Từ 18 đến 35 là độ tuổi tốt nhất để thực hiện phẫu thuật kéo dài xương chân (lý tưởng nhất từ 20-30 tuổi), bởi ở độ tuổi nhỏ hơn thì xương chưa phát triển hết, còn lớn hơn thì xương đã bắt đầu lão hóa và không phù hợp với phẫu thuật, nguy cơ gặp nhiều biến chứng sau phẫu thuật.

4. Tinh thần:

- Kéo dài chân không phải là 1 kỹ thuật khó, tuy nhiên phải trải qua thời gian điều trị khá dài (thường là 1 năm với 1 vị trí kéo dài chân). Vì vậy người tham gia thực hiện kỹ thuật phải có tinh thần kiên trì và quyết tâm cao mới có thể đạt được kết quả tốt nhất sau phẫu thuật.

III. Kéo dài chân có an toàn không ?

- Phẫu thuật kéo dài chân không phải là 1 kỹ thuật khó, với sự hình thành và phát triển qua hàng trăm năm đã được cải tiến, hoàn thiện hơn rất nhiều. Cho đến nay, hầu như tất cả các ca phẫu thuật kéo dài chi đều được thực hiện một cách an toàn, đem lại hiệu quả cao.

- Tuy nhiên, bất kỳ 1 phẫu thuật nào cũng đều có những rủi ro, biến chứng nhất định. Việc của bạn là tìm hiểu thật kỹ trước khi quyết định kéo dài chân.

- Kỹ thuật kéo dài chân cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình cơ – xương – khớp tại các cơ sở y tế được cấp phép bởi Bộ Y tế hoặc Sở Y tế. Chính vì vậy, bạn cần lựa chọn cho mình một cơ sở y tế chất lượng và uy tín để thực hiện kỹ thuật.

IV. Sau kéo dài chân thì chân có yếu không ?

- Đây là câu hỏi mà hầu như tất cả người bệnh đều thắc mắc bởi không ai muốn đánh đổi thời gian và tiền bạc để lấy đôi chân dài nhưng không khỏe mạnh cả. Và cũng không ít người lầm tưởng việc kéo dài chân sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của chân.

- Câu trả lời sẽ được giải đáp dựa trên nguyên lý của kỹ thuật kéo dài chân. Đó là dựa vào khả năng của cơ thể trong việc tái tạo mô xương, gân cơ, mạch máu, thần kinh và các mô mềm xung quanh. Vì vậy quá trình hồi phục là hoàn toàn sinh lý và sau quá trình kéo dài chân bạn hoàn toàn có thể sinh hoạt và vận động thể lực bình thường giống như trước phẫu thuật. Việc hồi phục nhanh hay chậm tùy thuộc vào cơ địa và sự tập luyện của mỗi người bệnh.

V. Quá trính kéo dài chân diễn ra như thế nào ?

- Hiện tại, có 2 vị trí được sử dụng để kéo dài chân là tại xương đùi và xương cẳng chân. Chiều cao tại mỗi vị trí có thể kéo được có thể lên đến 10cm. Tuy nhiên việc lựa chọn ví trí và độ dài mong muốn phụ thuộc vào từng bệnh nhân cụ thể. Các bác sĩ sẽ khám và đưa ra phương án tối ưu nhất cho bạn.

- Quá trình kéo dài chân gồm 3 giai đoạn: chuẩn bị trước mổ, phẫu thuật và kéo dài dần dần sau mổ.

1. Chuẩn bị:

- Trước khi quyết định mổ, bác sĩ cần thăm khám lâm sàng bệnh nhân để tìm hiểu kỹ về tiền sử bệnh, bao gồm sinh sản, sự phát triển về thể chất tầm vóc trong thời kỳ thiếu niên, thời điểm dậy thì, tiền sử về hormone, tình trạng ốm đau lúc nhỏ, bệnh di truyền...

- Bên cạnh đó, việc đánh giá tình trạng tâm lý của bệnh nhân để chỉ định kéo dài chân rất quan trọng. Không phải ai cũng được khuyến khích làm phẫu thuật này. Thường là những người có tâm lý “mặc cảm” bởi tầm vóc thấp của mình và quan trọng nhất là người bệnh có kỳ vọng thực tế về những gì phẫu thuật kéo dài chân có thể đem lại cho họ, chứ không đơn thuần là thẩm mỹ.

- Sau đó, bệnh nhân được làm các xét nghiệm cận lâm sàng và chuyên sâu để loại trừ các bệnh lý của xương, bệnh lý toàn thân khác có chống chỉ định kéo dài chi.

- Bệnh nhân cũng được bác sĩ tư vấn giải thích rõ quy trình phẫu thuật, thời gian nằm viện, quá trình điều trị trong và sau khi ra viện, thời gian điều trị, dự kiến những tai biến, biến chứng có thể xảy ra. Bệnh nhân cũng phải hiểu rõ và chuẩn bị tâm lý tốt, cho cả quá trình phẫu thuật và tập luyện phục hồi chức năng sau mổ.

2. Phẫu thuật kéo dài chân:

- Sau khi được gây mê, hoặc tê tủy sống, phẫu thuật trải qua 3 bước:

Bước 1: Đóng đinh

- Bác sĩ sẽ rạch da dài khoảng 1,5-2 cm dọc mặt trước gân bánh chè, sau đó đóng một đinh có chiều dài ngắn hơn chiều dài xương chày khoảng 4-6 cm vào ống tủy xương chày và cố định ở đầu trên của đinh bằng 02 vít chốt chéo nhau.

Bước 2: Lắp đặt khung cố định ngoài

- Vòng cung phía trên liên kết với 2 đinh Kirschner 2,0 mm được xuyên chéo nhau ở phần sau của đầu trên xương chày, cách khe khớp gối 2 cm, phía trên đinh nội tủy khoảng 2 - 3mm.

- Vòng cung phía dưới liên kết với 2 đinh Kirschner đường kính 2,0 mm được xuyên chéo nhau ở đầu dưới xương chày phía trên khe khớp 2cm và nằm phía dưới đinh nội tủy.

- Hai vòng khung trên và dưới được liên kết với nhau bằng 3 thanh liên kết có ren ngược chiều. Khi vặn, đẩu cho 2 vòng cung này xa dần nhau ra.

Bước 3: Cắt xương

- Cắt xương mác: Xác định vị trí cắt xương mác ở vị trí 1/3G -1/3D xương mác, cách mắt cá ngoài khoảng 10 cm.

- Cắt xương chày: Xác định vị trí cắt xương chày dưới vị trí vít chốt trung tâm thứ hai từ trên xuống 2,5 - 3 cm. Dùng đục đục đứt thành xương cứng ở phía trước ngoài, trước trong, sau trong, sau ngoài, và cuối cùng là thành sau xương chày.

3. Giai đoạn kéo dài chân:

- Sau mổ bệnh nhân được tiêm thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, giảm nề, gác chân cao trong 5 ngày.

- Sau 3-5 ngày, được tập vận động thụ động nhẹ nhàng khớp gối và khớp cổ chân, đeo giá kéo bàn chân khi nghỉ ngơi và khi ngủ để chống biến chứng co ngắn gót.

- Sau 7-10 ngày, bác sĩ tiến hành căng dãn khung và hướng dẫn cho bệnh nhân tự vận hành khung với tốc độ 1mm/ngày, chia đều cho 3 lần. Sau căng dãn 5 ngày, nếu ổ cắt xương đã được căng dãn tốt, người bệnh được ra viện, điều trị ngoại trú thực hiện tự căng dãn theo hướng dẫn. Định kỳ hàng tháng, các bệnh nhân được hẹn tái khám để đánh giá diễn biến liền xương bằng chụp X-quang.

A picture containing text, indoor

Description automatically generated

- Trong thời gian căng dãn, bệnh nhân có thể tỳ nén một phần trọng lượng cơ thể khi đứng hoặc đi bằng nạng hoặc khung tập đi.

- Khi căng dãn đủ chiều dài, bệnh nhân được nhập viện và được bắt 2 vít chốt ngoại vi của đinh nội tủy và tháo bỏ khung cố định ngoài. Thời gian nằm viện khoảng 3 đến 5 ngày.

- Ra viện người bệnh tiếp tục tập luyện đi lại dưới sự trợ giúp của khung hoặc nạng và tỳ nén tăng dần và được tì nén hoàn toàn khi đạt yêu cầu. Khám kiểm tra định kỳ 2 tháng/lần đến khi liền xương vững và tháo đinh nội tủy.

A picture containing indoor

Description automatically generated

VI. Kéo dài chân có đau không và cần bao lâu để hồi phục ?

- Nhiều người rất muốn thực hiện phẫu thuật kéo dài xương nhưng vẫn còn lo sợ không vượt qua được các cơn đau. Với sự phát triển của y học hiện đại, các phương pháp giảm đau trước trong và sau mổ sẽ giúp bạn giải quyết tình trạng đau khi phẫu thuật. Ngoài ra các cơn đau đến từ vết mổ hoặc quá trình mang khung cố định v.v. sẽ được các bác sĩ kiểm soát trong suốt quá trình kéo dài chân.

- Sau phẫu thuật, khoảng thời gian người bệnh cần hạn chế vận động là thời gian kéo dài xương. Với biên độ điều chỉnh 1mm/ ngày chia làm 3 lần. Sau 1 tháng chân có thể dài thêm 3cm. Vì vậy, khoảng thời gian này dài hay ngắn phụ thuộc vào chiều dài chân muốn kéo thêm là bao nhiêu. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là người bệnh sẽ nằm bất động mà nên vận động với mức độ nhẹ dưới sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

A picture containing curtain, different

Description automatically generated

VII. Các biến chứng có thể gặp khi phẫu thuật kéo dài chân ?

Mặc dù phẫu thuật kéo dài xương chân phần lớn đem lại hiệu quả cao, tuy nhiên trong một số trường hợp người bệnh có thể phải đối mặt với các biến chứng như sau:

1. Xương hồi phục quá nhanh

- Trên lý thuyết mỗi ngày xương có thể dài ra khoảng 1mm, nhưng ở một số người bệnh xương hồi phục và lành nhanh trước khi quá trình điều trị kết thúc, gây ảnh hưởng và khó khăn trong việc điều chỉnh độ dài xương như mong muốn.

2. Xương hồi phục quá chậm

- Một số người bệnh thừa cân béo phì, hút thuốc lá... khi thực hiện phẫu thuật kéo dài xương có thể gặp tình trạng xương hồi phục quá chậm, dẫn đến kéo dài thời gian tái tạo của các mô mềm, mạch máu, cơ và các dây thần kinh xung quanh.

3. Mô mềm không co giãn trong quá trình dài ra của xương

- Một biến chứng thường gặp khác sau phẫu thuật kéo dài xương chân là các mô mềm như gân, cơ, dây chằng và dây thần kinh không co giãn linh hoạt theo quá trình dài ra của xương, dẫn đến triệu chứng co cứng, bó chặt ở chân.

Khi gặp các biến chứng trên các bác sĩ sẽ chủ động điều chỉnh bằng cách tăng thêm hay giảm biên độ kéo dài chân hàng ngày cho phù hợp. Bên cạnh đó, các phương pháp vật lý trị liệu cũng được sử dụng để hỗ trợ cho các mô mềm co giãn linh hoạt hơn giúp quá trình kéo dài diễn ra thuận lợi.

VIII. Kéo dài chân có tốn kém không ?

- Chi phí điều trị cho 1 ca kéo dài chân phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như phương pháp phẫu thuật, các dụng cụ, vật tư sử dụng trong quá trình điều trị, cơ sở y tế thực hiện kỹ thuật v.v.

- Tại Việt Nam, kéo dài chân đã thực hiện tại miền Bắc và miền Nam mang lại kết quả rất khả quan. Ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên hiện tại chưa có cơ sở y tế nào triển khai kỹ thuật kéo dài chân. Trong khi đó quá trình kéo dài chân phải mất nhiều tháng với nhiều bước khác nhau nên việc người bệnh phải đi lại nhiều cũng làm tăng dáng kể chi phí điều trị. Với mục tiêu triển khai kỹ thuật này tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Khoa CTCH-YHTT – Bệnh viện 199 đang tiến hành chuyển giao kỹ thuật này với sự hỗ trợ của các chuyên gia đầu ngành về kéo dài chân ở Việt Nam. Với mong muốn nhiều người bệnh ở đây sẽ được phẫu thuật với chất lượng tốt nhất và chi phí điều trị thấp nhất.

Bệnh viện 199
Khoa Chấn thương chỉnh hình - Y học thể thao

=======

BỆNH VIỆN 199
Địa chỉ: 216 Nguyễn Công Trứ - Sơn Trà - Đà Nẵng
1900 98 68 68 (CSKH)
Cấp cứu: 0236 3986881
Email: benhvien199.bca@gmail.com
Website: https://benhvien199.vn
https://vr360.benhvien199.vn

TagsBệnh viện 199Khoa chấn thương chỉnh hìnhy học thể thaophẫu thuật kéo dài chân

Các tin tức khác

THÔNG TIN BỆNH VIỆN

  • icon_footer1216 Nguyễn Công Trứ, Quận Sơn Trà, Đà Nẵng
  • icon_footer2cskh@benhvien199.vn
  • icon_footer3benhvien199.vn
  • icon_footer41900986868

FANPAGE

Copyright © 2020 Bệnh Viện 199 - Bộ Công An