Khi nào người dân được tiêm vaccine phòng sốt xuất huyết?
Vaccine ngừa sốt xuất huyết do Takeda sản xuất (vaccine Qdenga) vừa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam được chỉ định tiêm cho người dân từ 4 tuổi trở lên mà không cần xét nghiệm trước khi tiêm.
Ngày 17/5, đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, vaccine sốt xuất huyệt vừa được Bộ Y tế phê duyệt dự kiến sẽ có mặt tại một số trung tâm tiêm chủng trong nước từ tháng 9/2024. Như vậy, từ nay để phòng bệnh sốt xuất huyết Dengue, bên cạnh các biện pháp phòng ngừa bằng kiểm soát véc tơ truyền bệnh là diệt muỗi, liệt lăng quăng, bọ gậy… Việt Nam đã có thêm “vũ khí" mới là vaccine Qdenga.
Dự kiến vaccine phòng sốt xuất huyết sẽ được triển khai tiêm ở gần 200 Trung tâm VNVC.
Tuy nhiên, để kéo giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh sốt xuất huyết Dengue, cần tiếp tục duy trì và đẩy mạnh các biện pháp đang thực hiện như nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị và chăm sóc ở tất cả các tuyến y tế, kiểm soát véc tơ truyền bệnh như diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, Hệ thống tiêm chủng VNVC là đối tác chiến lược toàn diện của Takeda, đơn vị cũng đã đàm phán để nỗ lực sớm đưa loại vaccine quan trọng này về phục vụ cho người dân trong hệ thống gần 200 Trung tâm VNVC trên toàn quốc.
Theo PGS.TS.BS. Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, sốt xuất huyết rất khác với các bệnh truyền nhiễm khác, vì đây là bệnh có nguy cơ lan rộng thành dịch cho một quốc gia, bất kể độ tuổi cũng như tình trạng đã từng nhiễm trong quá khứ của người dân.
Chi phí điều trị cũng ảnh hưởng tới thu nhập của hộ gia đình, trong khi bệnh cũng để lại những ảnh hưởng tâm lý lâu dài cho cá nhân và tác động đến an sinh xã hội. Cùng với biến đổi khí hậu, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết ngày càng gia tăng đã tạo áp lực và gây quá tải cho các cơ sở y tế trong nước.
“Bên cạnh công tác kiểm soát véc tơ, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức điều trị hợp lý và tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị để quản lý bệnh sốt xuất huyết và giảm tỷ lệ tử vong, việc Bộ Y tế phê duyệt vaccine sốt xuất huyết là biện pháp góp phần phòng ngừa đặc hiệu, giúp bảo vệ người dân Việt Nam khỏi bệnh sốt xuất huyết”, PGS.TS.BS Phạm Quang Thái nhấn mạnh.
Theo thông tin của nhà sản xuất, vaccine Qdenga có thể bảo vệ chống lại cả bốn type huyết thanh của vi rút Dengue (DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4), được chỉ định để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết ở những người từ 4 tuổi trở lên. Đặc biệt ở những khu vực có bệnh sốt xuất huyết lưu hành mà không cần xét nghiệm để xác định tình trạng nhiễm hay không nhiễm với siêu vi Dengue trước đó. Lịch tiêm gồm 2 liều, cách nhau 3 tháng.
Hiệu lực lâm sàng của Qdenga đã được đánh giá qua các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng pha 3, mù đôi, ngẫu nhiên đối chứng với giả dược được thực hiện tại nhiều quốc gia là trên 80% và thời gian bảo vệ lên đến 4,5 năm sau liều thứ 2. Tuy nhiên, liều nhắc lại để tăng cường miễn dịch chưa được khuyến cáo. Sau khi tiêm, một số người có thể gặp phải các tác dụng phụ nhẹ như đau, sưng tại chỗ tiêm và sốt nhẹ.
Quá trình phát triển vaccine Qdenga bắt đầu từ năm 2010 và đã trải qua nhiều giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trước khi được phê duyệt. Vaccine Qdenga đã được Cơ quan Quản lý dược phẩm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe Hoa Kỳ (FDA) xem xét ưu tiên và được Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đánh giá.
Loại vaccine ngừa sốt xuất huyết này đến nay cũng đã được phê duyệt ở hơn 30 quốc gia, bao gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Brazil, Argentina, Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Vaccine này cũng đã được phê duyệt và sử dụng cho chương trình tiêm chủng quốc gia tại Brazil và Argentina.
Đan Phương/Báo Tin tức