Hotline 1900986868

Tin tức

Tin tức Bệnh viện 199

chuyên gia

Dịch vụ nổi bật

Kháng kháng sinh: Nhận thức sớm – Hành động ngay !

Việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết để điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn... sẽ làm gia tăng tình trạng kháng thuốc và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.

1. Kháng kháng sinh là gì?

Kháng kháng sinh là tình trạng khi vi khuẩn biến đổi để chống lại tác dụng của kháng sinh. Vi khuẩn có thể kháng lại một loại kháng sinh, thậm chí là nhiều loại, nguy hiểm hơn là tất cả các loại kháng sinh không còn khả năng tiêu diệt được nó. Tình trạng này nghĩa là bệnh nhân nếu nhiễm vi khuẩn siêu kháng thuốc sẽ không có cơ hội được điều trị do không có kháng sinh nào nhạy cảm với thuốc.

Mặc dù kháng kháng sinh bản chất là một hiện tượng tiến hóa tự nhiên của vi khuẩn. Nghĩa là khi có một loại kháng sinh ra đời, theo thời gian thì vi khuẩn sẽ tìm ra cách biến đổi để thích ứng với loại kháng sinh đó. Tuy nhiên việc sử dụng sai kháng sinh ở người và động vật sẽ khiến tình trạng này đẩy ra nhanh hơn rất nhiều.

Việt Nam là nước trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trên thế giới. Tình trạng lạm dụng kháng sinh trong cộng đồng là nguyên nhân căn bản đưa nước ta trở thành nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trên thế giới.

2. Nguyên nhân kháng kháng sinh? Vấn nạn do đâu?

Nhận thức về kháng thuốc còn hạn chế

Chính thói quen tự chữa bệnh, tự kê đơn, tự mua theo đơn cũ của người dân dẫn đến tình trạng sử dụng kháng sinh tùy tiện, góp phần làm tăng sự kháng thuốc. Bên cạnh đó, người bệnh cũng không được sử dụng kháng sinh hợp lý do trình độ của cán bộ y tế, trang thiết bị của một số cơ sở y tế, đặc biệt ở các tuyến dưới, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, chưa có điều kiện, khả năng làm kháng sinh đồ.

Sử dụng thuốc kháng khuẩn không thích hợp

Dùng quá liều, dưới liều hoặc lạm dụng thuốc kháng khuẩn cũng có thể gây ra kháng thuốc, tạo điều kiện cho các vi khuẩn kháng thuốc xuất hiện. Việc sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh không do nhiễm khuẩn gây ra, sử dụng kháng sinh không phù hợp với loại, chủng vi khuẩn, virus, ký sinh trùng gây ra… cũng làm tăng nguy cơ kháng thuốc.

Công tác kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng thuốc còn hạn chế

Thiếu năng lực kiểm nghiệm với nhiều danh mục hoạt chất dẫn đến việc kiểm tra chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, chưa đảm bảo kiểm soát được chất lượng của tất cả các lô hàng sản xuất khác nhau của từng loại sản phẩm lưu hành trên thị trường

Thiếu sót trong quy định về chuyên môn khám, chữa bệnh

Nhiều bệnh truyền nhiễm chưa có đủ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, hoặc đã có hướng dẫn nhưng chưa được cập nhật. Quy định sử dụng kháng sinh, làm kháng sinh đồ, xét nghiệm vi sinh chưa hoàn thiện, việc giám sát trong quá trình thực hiện tại các địa phương cũng chưa được thực hiện đầy đủ.

Sử dụng thuốc kháng khuẩn trong chăn nuôi

Kháng sinh được sử dụng khá rộng rãi trong chăn nuôi để thúc đẩy tăng trưởng và phòng ngừa bệnh tật cho cây trồng, vật nuôi. Tuy vậy. việc sử dụng thuốc kháng khuẩn trong chăn nuôi chưa được kiểm soát hợp lý có thể dẫn đến các vi sinh vật đề kháng và gây ra kháng thuốc ở người.

3. Phòng chống kháng thuốc kháng sinh: "Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa"

Hiện nay, kháng thuốc không phải là vấn đề mới, nhưng đã trở nên nguy hiểm, cấp bách, đòi hỏi phải có sự nỗ lực của cộng đồng nhằm giúp nhân loại tránh khỏi nguy cơ quay trở lại thời kỳ chưa có kháng sinh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên phụ thuộc kháng sinh và yêu cầu toàn cầu có trách nhiệm bảo vệ nguồn thuốc kháng sinh quý giá cho thế hệ sau.

Việt Nam là một trong những nước được WHO xếp vào nhóm các nước có tỉ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới. Bởi hiện nay, có đến 90% nhà thuốc tại Việt Nam bán thuốc kháng sinh không cần kê đơn và 87% người dân có thể đến nhà thuốc mua kháng sinh.

Việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết để điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn... sẽ làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt là kháng sinh để điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng. Chính vì thế các chi phí xã hội và tài chính trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn kháng thuốc đang đặt gánh nặng đáng kể lên mỗi cá nhân, gia đình và xã hội do thời gian điều trị kéo dài, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.

4. Hậu quả việc kháng kháng sinh

Tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong: Việc lạm dụng kháng sinh làm xuất hiện nhiều loại vi khuẩn kháng đa thuốc, điều này dẫn đến nguy cơ tử vong cao ngay cả với người mắc các bệnh nhiễm trùng đơn giản.

Tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, thời gian điều trị: Kháng kháng sinh làm tăng chi phí, thời gian điều trị, là một gánh nặng đáng lo ngại đối với gia đình và hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe. Ngay cả khi có hiệu quả điều trị thì các bệnh nhân kháng kháng sinh cần phải nằm viện lâu dài hơn, hồi phục lâu hơn và tỷ lệ mắc phải các bệnh trong cộng đồng hay tại Bệnh viện cũng cao hơn. Những bệnh nhân nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh cần có sự chăm sóc, giường bệnh đặc biệt, phòng bệnh cách ly... Điều đó khiến chi phí điều trị tăng cao hơn bình thường.

Thay đổi hướng dẫn kháng sinh: Kháng kháng sinh sẽ dẫn tới các kháng sinh phổ hẹp không còn tác dụng, không được sử dụng. Do đó, phác đồ điều trị theo kinh nghiệm của các bệnh cũng sẽ thay đổi. Hơn thế, kháng sinh phổ rộng, đắt tiền sẽ được sử dụng, làm tăng thêm độc tính cho bệnh nhân.

Tăng gánh nặng cho các Bệnh viện: Kháng kháng sinh gia tăng làm cho các cơ sở chăm sóc y tế không còn thuốc kháng sinh để cứu chữa kịp thời, quá tải Bệnh viện do quá trình điều trị kéo dài, nguy cơ nhiễm khuẩn cao hơn với những người bệnh phải phẫu thuật.

“Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” là khẩu hiệu mà WHO- Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi các nước cùng chung tay phòng chống kháng thuốc, trong đó có Việt Nam. Công tác phòng, chống kháng thuốc cần có sự tham gia chủ động, tích cực của mỗi người dân và toàn thể cộng đồng: Mỗi người dân chỉ mua và sử dụng thuốc kháng sinh khi được bác sỹ khám bệnh, kê đơn và sử dụng kháng sinh theo đúng hướng dẫn của bác sỹ; Sử dụng kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản theo đúng hướng dẫn; Cán bộ y tế tuân thủ đúng các hướng dẫn chuyên môn và sử dụng kháng sinh trong điều trị hợp lý, an toàn.

Tổ Dược Lâm Sàng – Khoa Dược
Bệnh viện 199


 

TagsKháng kháng sinhKhoa Dược Bệnh viện 199

Các tin tức khác

THÔNG TIN BỆNH VIỆN

  • icon_footer1216 Nguyễn Công Trứ, Quận Sơn Trà, Đà Nẵng
  • icon_footer2cskh@benhvien199.vn
  • icon_footer3benhvien199.vn
  • icon_footer41900986868

FANPAGE

Copyright © 2020 Bệnh Viện 199 - Bộ Công An