Chuyện ghi ở bệnh xá Công an tỉnh (kỳ 1)
Thứ Năm, 14/03/2024, 07:59
Đứng chân trên địa bàn với nhiều khó khăn, thiếu thốn cùng với sự khắc nghiệt của thời tiết cực đoan, song những năm qua, đội ngũ thầy thuốc CAND tại “khúc ruột” miền Trung luôn hoàn thành xuất sắc sứ mệnh cao cả, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của CBCS Công an và nhân dân, xứng đáng với sự tin cậy, tôn vinh của xã hội, cùng góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Hòa mình vào công cuộc chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, triển khai hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ, tập thể đội ngũ thầy thuốc mà chúng tôi gặp đã và đang dốc sức với quyết tâm chính trị cao nhất và đạt được những kết quả tích cực ban đầu đáng trân trọng...
Loại bớt giấy tờ, tiến tới bệnh án điện tử
Gần nửa đêm nhưng BS CKI - Trung tá Nguyễn Thị Vân, Bệnh xá Trưởng Công an tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn miệt mài bên trang báo cáo kết quả thực hiện một ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại đơn vị. Chị cho biết, với hơn 4.400 thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh (KCB) ban đầu (gồm: CBCS trong toàn Công an tỉnh; 2 đơn vị thuộc Bộ Công an đóng trên địa bàn là Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Trại giam Bình Điền), cùng với việc đảm nhiệm các mặt công tác y tế trong CAND tại địa phương theo sự chỉ đạo về chuyên môn của Cục Y tế (Bộ Công an), khối lượng công việc của Bệnh xá hiện tương đối lớn.
Riêng với việc đẩy mạnh công cuộc CĐS, thực hiện Đề án 06, đến nay Bệnh xá Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã ứng dụng phần mềm quản lý thông tin Bệnh viện VNPT HIS. Theo Trung tá Nguyễn Thị Vân, phần mềm này cung cấp đầy đủ các tính năng nghiệp vụ cần thiết đảm bảo yêu cầu hoạt động từ khâu tiếp nhận, khám bệnh, điều trị, cận lâm sàng, quản lý dược vật tư, thanh toán viện phí… theo tinh thần các thông tư và quyết định của Bộ Y tế về bộ tiêu chí ứng dụng CNTT tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
“Không chỉ hỗ trợ tích cực trong công tác KCB, phần mềm còn được tích hợp và triển khai các giải pháp theo chủ trương của Đảng và Nhà nước đề ra như thanh toán không dùng tiền mặt, đăng ký KCB từ xa để giúp giảm tải và hỗ trợ CBCS thuận tiện trong quá trình KCB. Việc đưa vào vận hành phần mềm này góp phần nâng cao chất lượng KCB cho CBCS, xây dựng tác phong làm việc chuyên nghiệp và hiện đại cho đội ngũ cán bộ ngành Y tế trong CAND thời kỳ mới. Góp phần nâng cao hiệu quả KCB trong các bệnh viện cũng như các cơ sở y tế”, lãnh đạo Bệnh xá Công an tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ và phấn khởi cho biết, đơn vị còn ứng dụng thiết bị đọc QR Code trong KCB bằng thẻ CCCD gắn chíp.
“Trước đây, khi đến KCB người dân phải xuất trình nhiều giấy tờ, chờ đợi khá lâu để cán bộ, nhân viên y tế xác minh và nhập thông tin. Một số trường hợp thông tin không khớp giữa bảo hiểm và giấy tờ tùy thân, hoặc mất thẻ BHYT khiến việc đăng ký KCB bằng thẻ gặp không ít khó khăn. Nhưng giờ đây, khi đến KCB, CBCS chỉ cần mang theo CCCD có gắn chíp. Khi quét mã QR, toàn bộ thông tin của người bệnh đều được cập nhật trên phần mềm. Nhân viên cơ sở y tế khi tiếp nhận cũng không cần khai thác thêm thông tin của người bệnh, giúp rút ngắn thời gian cho người bệnh”, lãnh đạo Bệnh xá Công an tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin thêm.
Thực tế việc dùng thẻ CCCD gắn chíp để thực hiện thủ tục khi đến KCB không chỉ thuận lợi cho mỗi CBCS, mà còn giúp giảm bớt áp lực cho nhân viên y tế; đồng thời giúp cơ quan quản lý tiết kiệm được chi phí cấp phát thẻ, quản lý thẻ BHYT, chống lạm dụng quỹ KCB BHYT… góp phần đảm bảo tính nhanh chóng, thuận tiện, giúp nâng cao chất lượng KCB. Bệnh xá Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã triển khai chữ ký số, đơn thuốc điện tử quốc gia. Với số lượng CBCS đến kiểm tra sức khỏe và KCB khá đông, kể từ khi đơn giản hoá các thủ tục KCB BHYT, Bệnh xá có thể thực hiện KCB một cách nhanh chóng, tiết kiệm được nhiều thời gian, giảm nhiều giấy tờ thủ tục.
Bệnh xá Công an tỉnh Quảng Nam kết nối hình ảnh trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa với Bệnh viện 199 (Bộ Công an).
Bệnh xá sẽ sớm… “lên đời”
Tại Quảng Nam, hôm chúng tôi đến Bệnh xá Công an tỉnh cũng là lúc ông Trần Toản (trú phường An Mỹ, TP Tam Kỳ, Quảng Nam), một cán bộ hưu trí được nhân viên y tế tại đây thực hiện các kỹ thuật vật lý trị liệu do bị nhức mỏi vai gáy và thoái hóa khớp gối chân. “Sau vài lần được vật lý trị liệu, tôi thấy tình trạng bệnh cũng đỡ dần. Thái độ phục vụ của đội ngũ CBCS, nhân viên y tế tại Bệnh xá rất niềm nở, lễ phép. Đặc biệt, tôi thật sự bất ngờ và cảm thấy hài lòng khi thủ tục giờ đây được thực hiện rất nhanh gọn”, ông Toản bày tỏ.
Trung tá Nguyễn Thị Xí, Bệnh xá trưởng Bệnh xá Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, trong năm 2023, tổng số lượt KCB tại đây gần 2.200 lượt; gần 5.500 lượt thực hiện kỹ thuật cận lâm sàng trong chẩn đoán; thực hiện các kỹ thuật phục hồi chức năng gần 250 lượt bệnh nhân điều trị. Đáng chú ý, đơn vị đã phối hợp Bệnh viện 199 (Bộ Công an) thực hiện thí điểm thành công mô hình y tế cơ sở trong quản lý, KCB; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho gần 3.000 lượt người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh;...
“Đáng mừng là những năm gần đây, Bệnh xá được quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bổ sung nguồn nhân lực, cử đào tạo, trang bị nhiều thiết bị máy móc hiện đại, thực hiện được hơn 300 danh mục kỹ thuật, đáp ứng tốt nhu cầu KCB, chăm sóc sức khỏe CBCS và triển khai áp dụng CNTT để nâng cao chất lượng KCB”, lãnh đạo Bệnh xá Công an tỉnh Quảng Nam cho biết.
Năm 2022, đơn vị được Bệnh viện 199 chọn thực hiện thí điểm mô hình y tế cơ sở trong CAND, thực hiện Đề án CĐS; được hỗ trợ thiết bị, cài đặt các phần mềm… để nâng cao chất lượng KCB, hiệu quả hoạt động. Hệ thống CĐS y tế cơ sở kết nối Bệnh viện 199 với Bệnh xá Công an tỉnh đã góp phần quan trọng giúp nâng cao chất lượng KCB, chăm sóc sức khỏe cho CBCS. Song song đó, Công an tỉnh Quảng Nam đã thực hiện tốt công tác phối hợp, liên kết triển khai thực hiện có hiệu quả CĐS trong quản lý y tế tại Bệnh xá Công an tỉnh. Đến nay đã triển khai xong 6/6 hạng mục công việc và đưa vào khai thác, sử dụng ổn định.
Trong công tác quản lý hồ sơ sức khỏe CBCS, Bệnh xá đã tích cực tham mưu, triển khai lắp đặt hệ thống phần mềm quản lý sức khỏe CBCS đã đưa vào sử dụng từ tháng 8/2023, để phục vụ công tác quản lý, theo dõi tình hình sức khỏe CBCS trong toàn Công an tỉnh, giúp thuận tiện trong việc lưu trữ, quản lý, tra cứu thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, bắt kịp với yêu cầu CĐS trong giai đoạn hiện nay.
“Từ khi được đầu tư và đưa vào khai thác sử dụng các hạng mục CĐS đã phát huy được hiệu quả của việc áp dụng CNTT, chất lượng hoạt động KCB của Bệnh xá được nâng lên rõ rệt, thu hút CBCS, cán bộ hưu trí, thân nhân CBCS và nhân dân trên địa bàn đến KCB. Hồ sơ sức khỏe CBCS được tích hợp quản lý trên phần mềm, công tác theo dõi, tra cứu thông tin sức khỏe CBCS nhanh, thuận lợi, đảm bảo tính khoa học. Đến nay, Bệnh xá đảm bảo đủ tiêu chí để chuyển sang mô hình hoạt động bệnh viện hạng IV”, Trung tá Nguyễn Thị Xí phấn khởi, thông tin thêm.
"Theo Cục Y tế (Bộ Công an), cả nước hiện có 4 bệnh viện hạng I (thuộc Bộ Công an), 14 bệnh viện thuộc Công an cấp tỉnh (tương đương với bệnh viện hạng III), 49 Công an địa phương còn lại đều có bệnh xá. Bệnh xá tại Công an các địa phương được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện các mặt công tác y tế trong CAND, bao gồm quản lý đăng ký KCB ban đầu với hàng chục nghìn thẻ BHYT, thực hiện công tác khám tuyển sinh, tuyển dụng vào CAND; xét chuyển chuyên nghiệp cho hạ sĩ quan hết hạn phục vụ tại ngũ; khám phúc tra tiêu chuẩn sức khỏe công dân phục vụ có thời hạn trong CAND theo quy định…
Theo sự chỉ đạo về chuyên môn của Cục Y tế (Bộ Công an), bệnh xá theo dõi quản lý và chăm sóc sức khỏe cho CBCS; tổ chức thực hiện công tác KCB BHYT; tổ chức thực hiện công tác KCB định kỳ theo quy định và trực tiếp quản lý hồ sơ sức khỏe của CBCS trong toàn Công an tỉnh. Bên cạnh đó, các bệnh xá còn tổ chức triển khai các trang thiết bị phương tiện, máy móc, dụng cụ y tế để nâng cao chất lượng công tác KCB, chẩn đoán và điều trị; tổ chức thực hiện các mặt công tác chuyên môn khác... "
Nhóm PV - CAND