Bệnh dại tăng vọt, giải pháp nào để làm giảm tử vong?
Việt Nam vẫn nằm trong quốc gia có tỷ lệ mắc và tử vong vì bệnh dại cao. Năm 2023, cả nước ghi nhận 82 ca mắc và tử vong, tăng 12 ca so với năm 2022. Tuy nhiên, 3 tháng đầu năm 2024, số mắc và tử vong vì bệnh dại lại tăng vọt lên 27 ca (tăng 16 ca so với cùng kỳ năm 2023). Nguyên nhân vì sao bệnh dại lại có số tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm?
Cho biết tại Hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phối hợp phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người do Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức vào ngày 27/3, ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, năm 2023 ghi nhận 30/63 tỉnh, TP có ca bệnh dại, cao nhất vào tháng 3,4,8. Khu vực miền Bắc có ca bệnh dại cao nhất, sau đó đến miền Nam và Tây Nguyên, rồi mới tới miền Trung. Tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi mắc bệnh dại lên tới 34%.
Tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại cho chó, mèo còn thấp.
Sang năm 2024, bệnh dại tăng vọt ở 16/63 tỉnh. Miền Trung ghi nhận số ca bệnh dại tăng đột biến, hiện đang cao nhất cả nước (9 ca); khu vực Tây Nguyên và miền Nam vẫn tiếp tục gia tăng (Đắk Lắk 4 ca, Long An 3 ca). Theo ông Đức, nguyên nhân gây tử vong cao là do 100% số ca tử vong dại không đi tiêm vaccine phòng dại, tiêm muộn hoặc tiêm không đúng chỉ định.
Tăng vọt hơn nữa khi năm 2023 khu vực miền Nam có số lượng người bị chó, mèo cắn phải đi tiêm vaccine dại cao nhất trên cả nước trong nhiều năm (65,3%). Cũng trong năm 2023, ghi nhận số lượng người tiêm vaccine phòng dại trên cả nước tăng vọt so với năm 2022 (tăng xấp xỉ 45%). Đặc biệt, từ đầu năm 2024 đến nay, ghi nhận 143.000 người đi tiêm phòng dại, tương đương cùng kỳ năm 2023.
Theo nhận định của Cục Y tế dự phòng, bệnh dại gây ra khoảng 70 người chết mỗi năm dù đã có vaccine cho người và động vật và là bệnh tử vong nhiều nhất trong các bệnh truyền nhiễm. 60/63 tỉnh có dại trong 10 năm gần đây, gây tiêu tốn 800 tỷ đồng/năm chỉ riêng cho vaccine và huyết thanh kháng dại cho người, chưa bao gồm gánh nặng chi phí vết thương và gián tiếp.
Theo nhận định của Cục Y tế dự phòng, nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người vẫn tiếp tục do tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại trên tổng đàn chó, mèo còn thấp; nhiều địa phương vẫn để xảy ra tình trạng thả rông chó, mèo dẫn đến nguy cơ tấn công con người.
“Tuy tỷ lệ tiêm phòng vaccine dại trên tổng đàn chó mèo năm 2023 của Hà Nội đạt 93,94%, nhưng công tác bắt giữ và xử lý chó thả rông là một nhiệm vụ khó và nhạy cảm do liên quan đến tài sản của người dân. Dó đó, quá trình triển khai thực hiện còn nảy sinh rất nhiều khó khăn”, ông Vũ Cao Cương cho biết.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có gần 5 triệu hộ nuôi chó, mèo với 7,9 triệu con, nhiều nhất là Hà Nội trên 425 nghìn con, sau đó đến Nghệ An và Thanh Hoá. Tuy nhiên, năm 2023, tỷ lệ tiêm phòng trung bình cả nước chỉ đạt 58% tổng đàn chó, mèo, trong đó 22 địa phương đạt trên 70% tổng đàn, 20 địa phương đạt từ 50 đến dưới 70% tổng đàn, còn 21 địa phương chỉ đạt dưới 50% tổng đàn (trong đó 7 địa phương tỷ lệ tiêm chỉ đạt 20%).
Năm 2023 ghi nhận 374 ca bệnh dại trên động vật tại 31 tỉnh, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2022. Từ đầu năm đến nay, cả nước phát hiện 56 ổ dịch dại tại 25 tỉnh, TP; số chó, mèo mắc bệnh dại là 86 con và số chết phải tiêu huỷ 192 con. Từ đầu năm đến nay cũng ghi nhận vụ việc 1 con chó nghi dại cắn nhiều người.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, từ đầu năm 2019 đến nay, có 19 tỉnh đã triển khai công tác tiêm phòng bệnh dại với tổng số 554 con chó, mèo, đạt trung bình 30% tổng đàn của các địa phương này. Ông Tiến cũng cho biết, chó mèo cơ bản không đeo rọ mõm khi ra đường và đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Các giải pháp phòng, chống bệnh dại còn nhiều khó khăn. Theo đại diện Cục Y tế dự phòng, nguy cơ thiếu vaccine và huyết thanh kháng dại do các công ty nước ngoài giảm cung cấp vaccine dại (vì lợi nhuận thấp), nên nhà cung ứng còn lại không kịp điều chỉnh tăng số lượng nhập. Mỗi năm Chương trình phòng, chống dại của Bộ Y tế được cấp 2 tỷ đồng cho tất cả hoạt động, do kinh phí hạn chế nên chủ yếu tập trung vào công tác giám sát và xử lý ổ dịch. Người dân e ngại việc tiêm vaccine phòng dại có nhiều tác dụng phụ, dẫn đến việc sử dụng các biện pháp điều trị như uống thuốc Nam, đắp lá không được Bộ Y tế công nhận. Giá vaccine dại tương đối cao (từ 1,2-1,5 triệu/liều) gây khó khăn trong việc chi trả của người nghèo, dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa…
Ông Hoàng Minh Đức kiến nghị, nguồn gây bệnh trên động vật nên ngành y tế không thể đơn phương kiểm soát, đòi hỏi sự phối hợp giữa nhiều ngành, đơn vị. Tuy nhiên, sự phối hợp liên ngành không đồng bộ, một số địa phương còn hạn chế.
Còn đại diện Bộ NN&PTNT thì cho rằng, nhiều địa phương không quản lý được đàn chó, thống kê không chính xác số lượng đàn chó và tỷ lệ tiêm phòng rất thấp; tuyên truyền còn rất yếu và thiếu…Vì vậy, Bộ NN&PTNT đề xuất trong thời gian tới, cần khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo. Ngoài tăng cường tuyên truyền, cần củng cố hệ thống thú y, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp phường, xã, huyện và tiến tới xây dựng Nghị định mới về hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật, trong đó đề xuất đối tượng cụ thể và mức hỗ trợ người tham gia phòng chống bệnh dại… thì mới mong đạt được hiệu quả giảm ca bệnh dại trên người và động vật.
Theo cand.com.vn