Hotline 1900986868

Tin tức

Tin tức Bệnh viện 199

chuyên gia

Dịch vụ nổi bật

Cảnh báo: Nguy hiểm từ bệnh lý đột quỵ

I. ĐỊNH NGHĨA VỀ BỆNH ĐỘT QUỴ

bệnh đột quỵ đang ngày càng phổ biến

Bệnh đột quỵ đang ngày càng phổ biến


Đột quỵ là một bệnh lý đang ngày càng phổ biến với xã hội hiện đại ngày nay với mức độ gia tăng chóng mặt và tỉ lệ tử vong cao (khoảng 50% số ca mắc tử vong).

Đột quỵ hay tai biến mạch máu não là tình trạng thiếu máu não cấp tính do nguyên nhân từ mạch máu. 2 nguyên nhân đó là nhồi máu não (tắc nghẽn mạch máu do cục máu đông) và xuất huyết não (Vỡ mạch máu não gây xuất huyết).

Cả 2 nguyên nhân này đều dẫn đến tình trạng thiếu máu não, gây tổn thương hệ thần kinh trung ương và những hệ quả thứ phát của đột quỵ.

II. DẤU HIỆU NHẬN BIẾT BỆNH ĐỘT QUỴ THEO NGUYÊN TẮC FAST

với đột quỵ thời gian là vàng

Với đột quỵ, thời gian là "Vàng"


Khi tình trạng đột quỵ diễn ra, người bệnh sẽ có một vài triệu chứng để nhận biết. Tính chất và đặc điểm của những triệu chứng này có thể khác nhau đối với mỗi người.

Tuy nhiên, chúng ta có thể dựa vào nguyên tắc Fast để nhận biết dấu hiệu của bệnh đột quỵ. NGUYÊN TẮC FAST là tập hợp các triệu chứng phổ biến thường gặp ở người có dấu hiệu đột quỵ. Cụ thể như sau:

F(Facial drooping) - tê liệt mặt: đây là một trong những dấu hiệu điển hình của người bệnh đột quỵ, thường tê liệt một bên. Dễ nhận thấy tình trạng khóe miệng 1 bên xệ xuống khi yêu cầu người bệnh cười.
A(Arm weekness) - Bại/ yếu cánh tay: Người bệnh không thể nâng tay hết mức có thể, cầm nắm yếu, không thể giữ chắc vật trong tay.

nguyên tắc fast trong đột quỵ

Trong cấp cứu đột quỵ fast là nguyên tắc "Vàng"


S (Speech difficulties) – Thất ngôn: gặp khó khăn trong việc hiểu và diễn đạt lời nói, thậm chí với cả những câu đơn giản.
T(Time) – Khẩn cấp: Nếu bạn gặp một người có những dấu hiệu trên, điều cần làm là đưa người đó đến cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức, thời gian cấp cứu rất quan trọng, người bệnh càng được cấp cứu sớm, khả năng hồi phục sau tai biến càng cao.

III. NGUYÊN NHÂN GÂY ĐỘT QUỴ


Như đã đề cập, có 2 nguyên nhân dẫn đến đột quỵ đó là nhồi máu não (tắc nghẽn mạch máu do cục máu đông) và xuất huyết não (Vỡ mạch máu não gây xuất huyết). Trong đó:
- Nhồi máu não: là nguyên nhân chiếm phần lớn trong tổng số các ca đột quỵ(khoảng 85%). Nhồi máu não thường do cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu dẫn đến tình trạng thiếu máu cục bộ trong não.
- Xuất huyết não: hay vỡ mạch máu não dẫn đến chảy máu ồ ạt của mạch máu não. Xuất huyết não thường do các nguyên nhân: Huyết áp cao thường xuyên, thành mạch máu dễ vỡ, xơ vữa vạch máu,…
- Ngoài ra những bệnh lý khác cũng góp phần tăng tỉ lệ mắc bệnh đột quỵ: đái tháo đường, mỡ máu, béo phì,… Di truyền cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến tỉ lệ mắc đột quỵ, một người sẽ có nguy cơ mắc đột quỵ cao hơn những người khác khi trong gia đình họ có người có tiền sử đột quỵ. (Đây là câu trả lời của "Bệnh đột quỵ có di truyền hay không?")

2 nguyên nhân gây ra đột quỵ

2 nguyên nhân gây ra đột quỵ

Cả 2 nguyên nhân này đều rất nguy hiểm và đa số đều bắt nguồn từ những thói quen xấu như ăn uống không điều độ, thức khuya, ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, uống nhiều rượu bia, hút thuốc…


IV. Di chứng của đột quỵ


Đột quỵ là bệnh lý do tổn thương trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương vì vậy gây ra nhiều di chứng từ nhẹ đến nặng nề lên các bộ phận khác của cơ thể.
Những cơ quan bị ảnh hưởng đó là:


1. Hệ thần kinh:

Hệ thần kinh trung ương bị tổn thương dẫn đến các chức năng của thần kinh trên toàn bộ cơ thể bị ảnh hưởng. Người bệnh có thể bị thay đổi tính tình, dễ cáu giận, trầm cảm, thậm chí nặng nề hơn là mất ý thức. Người bị đột quỵ có thể mất kiểm soát nửa người hoặc cả 2 bên cơ thể (tùy theo mức độ tổn thương), mất kiểm soát lời nói, cảm giác xúc giác, kiểm soát tiểu tiện,…


2. Hệ vận động:

Tùy theo vùng tổn thương của não mà người bệnh sẽ mất chức năng vận động của một vùng cơ thể nhất định. Nếu tổn thương nửa bán cầu trái, sẽ mất chức năng vận động nửa người bên phải và ngược lại.


3. Hệ tuần hoàn:

Khi cơ thể thiếu vận động do đột quỵ, điển hình là một bên cơ thể bị liệt sau đột quỵ, hệ tuần hoàn của nửa người bên đó sẽ bị trì trệ. Trong thời gian dài sẽ dẫn đến chứng teo nhỏ các mạch máu, giảm lượng oxy đến khu vực mạch máu đó, thậm chí dẫn đến tình trạng tắc mạch vô cùng nguy hiểm.


4. Hệ hô hấp:

Với những trường hợp đột quy mức độ nặng, việc nằm lâu trên giường sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho hệ hô hấp của người bệnh: cản trở luồng khí lưu thông, giảm dung tích phổi, hội chứng tắc nghẽn phổi mãn tính,…


Mức độ của những di chứng sau đột quỵ phụ thuộc phần lớn vào thời điểm cấp cứu, sơ cứu ban đầu. Người bệnh được cấp cứu càng sớm, được can thiệp để giảm bớt hậu quả của tai biến mạch máu não thì khả năng phục hồi càng cao và khả nặng để lại ít di chứng hơn.


V. CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ BỆNH ĐỘT QUỴ


Có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh lý đột quỵ. Tuy nhiên việc vận dụng những phương pháp này vào điều trị cần được thực hiện một cách khoa học, phù hợp với tình trạng người bệnh và được chỉ định bởi bác sĩ hay người có chuyên môn.

Các phương pháp đó là:


1. Dùng thuốc

thuốc điều trị đột quỵ

Hiện nay có rất nhiều thuốc điều trị đột quỵ được bày bán trên thị trường, kể cả thuốc có xuất xứ rõ ràng hay không rõ nguồn gốc. Đặc điểm chung của những loại thuốc này là tính chất chống đông máu, chống hình thành cục máu đông, vì vậy chỉ phù hợp với người bị đột quỵ do Nhồi máu não.

Các thuốc Tây y có thể kể đến như aspirin, piracetam; về thuốc Đông y thì có An Cung Ngưu Hoàn Hoàn. Người tiêu dùng cần kiểm tra kĩ nguồn gốc, xuất xứ của các loại thuốc trước khi mua cũng như xem xét tác dụng của nó có phù hợp với người bệnh hay không.


2. Đông y:

điều trị đột quỵ bằng y học cổ truyền

Y học cổ truyền có rất nhiều phương pháp để điều trị bệnh lý đột quỵ như: châm cứu, điện châm, xoa bóp bấm huyệt, hơ ngải cứu tại các huyệt đạo,…với tác dụng hỗ trợ lưu thông khí huyết và kích hoạt lại hệ thần kinh đã bị mất.


3. Vật lí trị liệu – Phục hồi chức năng

vật lí trị liệu cho người bị đột quỵ

Đây là phương pháp toàn diện nhất để điều trị bệnh lý đột quỵ, giúp phục hồi chức năng bị mất của người bệnh bằng các bài tập chuyên biệt cho người bệnh ở từng mức độ, tập luyện khả năng phát âm, thay đổi hoạt động trong sinh hoạt và tập luyện thực hiện lại những chức năng thiết yếu thường ngày. Ngoài các bài tập, hoạt động chức năng, Vật lí trị liệu – Phục hồi chức năng, còn sử dụng các máy móc, trang thiết bị nhằm kích thích lại hệ thần kinh, lấy lại chức năng đã bị mất.


VI. CÁCH PHÒNG NGỪA ĐỘT QUỴ


Để phòng ngừa đột quỵ, cần thực hiện những biện pháp sau:


1. Các biện pháp ngăn ngừa cao huyết áp:


- Giảm bớt thức ăn nhanh, ăn nhiều muối, nhiều dầu mỡ trong chế độ ăn. Thay vào đó, bổ sung nhiều rau củ, thức ăn có nhiều chất xơ, vitamin vào khẩu phần ăn.
- Uống trà là một phương pháp để làm giảm chỉ số huyết áp. Uống từ 1-2 cốc trà mỗi ngày có thể đạt được tác dụng giảm huyết áp.
- Tránh các thói quen xấu: hút thuốc, uống cà phê quá nhiều, thức khuya,...có thể dẫn đến tình trạng cao huyết áp.


2. Các biện pháp gia tăng lưu thông trong mạch máu:

uống đủ nước phòng đột quỵ


- Uống đủ nước: cung cấp đủ 2 lít nước mỗi ngày là rất quan trọng. Nước giúp máu loãng, ngăn ngừa tình trạng đông máu.
- Tập thể dục thường xuyên cũng là một phương pháp tuyệt vời để có được một hệ thống mạch máu khỏe. Tập thể dục không chỉ giúp máu trong mạch máu lưu thông tốt hơn mà còn giúp trái tim khỏe mạnh hơn, tăng sức bền của tim.


3. Tầm soát đột quỵ

tầm soát đột quỵ tại bệnh viện 199

Bệnh viện 199 là một trong những cơ sở cung cấp dịch vụ tầm soát đột quỵ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Tầm soát đột quỵ là phương pháp chẩn đoán sớm bệnh đột quỵ và dự đoán nguy cơ mắc bệnh. Với sự phát triển của y học hiện đại, giờ đây đã có nhiều phương pháp giúp tầm soát sớm bệnh lý đột quỵ, từ đó giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh đột quỵ.

 

KHOA PHỤC HỒI CHỨC NĂNG - BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Các tin tức khác

THÔNG TIN BỆNH VIỆN

  • icon_footer1216 Nguyễn Công Trứ, Quận Sơn Trà, Đà Nẵng
  • icon_footer2cskh@benhvien199.vn
  • icon_footer3benhvien199.vn
  • icon_footer41900986868

FANPAGE

Copyright © 2020 Bệnh Viện 199 - Bộ Công An